Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017: Khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành

05/10/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016.
 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 ước tính tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2016

 
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước: Quý III/2017 tăng 7,46%
 
Theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%. Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện, đây là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017. Trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,80 điểm phần trăm.
 
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản đạt mức tăng cao nhất với 5,42% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành lâm nghiệp tăng 5,00%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành nông nghiệp có dấu hiệu chững lại so với 6 tháng đầu năm khi tốc độ tăng chỉ ở mức 1,96%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
 
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,95%, thấp hơn mức tăng 9,86% và 7,40% của cùng kỳ năm 2015 và năm 2016, chủ yếu do ngành khai khoáng 9 tháng năm nay giảm tới 8,08%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77% (cao hơn cùng kỳ năm 2016), đóng góp 2,15 điểm phần trăm. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,30%, đóng góp 0,47 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
 
Trong khu vực dịch vụ, mức tăng của một số ngành có tỷ trọng lớn như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,16% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung (0,75 điểm phần trăm); dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,00%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,89%, đóng góp 0,40 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,99%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm.
 
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,50%; khu vực dịch vụ chiếm 42,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,17%. Xét về góc độ sử dụng GDP 9 tháng, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,30% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,76 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; tích lũy tài sản tăng 9,80%, đóng góp 4,78 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,13 điểm phần trăm.
 
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định
 
Nông nghiệp
 
Tính đến trung tuần tháng 9, cả nước gieo cấy được 1.561,1 nghìn ha lúa mùa, bằng 98% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.132,9 nghìn ha, bằng 98,3%; các địa phương phía Nam gieo cấy 428,2 nghìn ha, bằng 97,4%. Diện tích gieo cấy lúa mùa năm nay đạt thấp, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ đạt 535,2 nghìn ha, giảm 13 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; các tỉnh Bắc Trung Bộ đạt 168,5 nghìn ha, giảm 6,2 nghìn ha. Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác. Đến nay trà lúa mùa sớm ở miền Bắc đang trong giai đoạn vào chắc và chín, đã thu hoạch được gần 61,7 nghìn ha với năng suất ước tính đạt 50,3 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2016.
 
Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 2.105,9 nghìn ha, tương đương vụ hè thu năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.651,1 nghìn ha, giảm 23,4 nghìn ha. Tính đến ngày 15/9/2017, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.731,9 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 82,2% diện tích gieo cấy và bằng 105% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.452,6 nghìn ha, chiếm 88% và bằng 102,1%. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 54,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2016; sản lượng đạt hơn 11,5 triệu tấn, tăng 179 nghìn tấn.
 
Đến giữa tháng 9, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 584,8 nghìn ha lúa thu đông, bằng 90% cùng kỳ năm trước. Thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo lũ đầu nguồn tăng cao nên diện tích gieo cấy lúa thu đông năm nay có khả năng giảm so với năm 2016. Đến thời điểm trên, lúa thu đông đã thu hoạch được 196 nghìn ha, bằng 34% diện tích xuống giống và bằng 104,8% cùng kỳ năm trước. Nếu thời tiết từ nay đến cuối vụ thuận lợi, ước tính năng suất toàn vụ đạt 51,9 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ thu đông năm trước.
 
Tính đến giữa tháng 9, cả nước gieo trồng được 1.018,2 nghìn ha ngô, bằng 97,2% cùng kỳnăm trước; 111,2 nghìn ha khoai lang, tương đương cùng kỳ; 181,7 nghìn ha lạc, bằng 96,5%; 79,5 nghìn ha đậu tương, bằng 92,7%; 977,8 nghìn ha rau, đậu, bằng 102,6%.
 
Diện tích trồng cây lâu năm 9 tháng ước tính đạt 3.366,8 nghìn ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cây công nghiệp đạt 2.204,2 nghìn ha, tăng 1,1%; cây ăn quả đạt 897,2 nghìn ha, tăng 3%; cây lấy dầu đạt 166,8 nghìn ha, tăng 0,6%; cây gia vị, dược liệu đạt 58,1 nghìn ha, giảm 1,2%; cây lâu năm khác đạt 40,4 nghìn ha, tăng 1,3%. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng hồ tiêu ước tính tăng 9%; cao su tăng 3,9%; cà phê tăng 1,8%; chè búp tăng 1%; riêng sản lượng điều giảm 28% do xuất hiện sương mù vào thời điểm ra hoa nên nhiều diện tích bị mất trắng. Một số cây ăn quả có sản lượng tăng khá do thị trường tiêu thụ tốt: Sản lượng thanh long 9 tháng ước tính tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; cam tăng 12%; xoài tăng 10,7%; chuối và chanh cùng tăng 8,7%; bưởi tăng 6,6%; quýt tăng 6%. Riêng sản lượng vải giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2016; nhãn giảm 2,9% do thời tiết không thuận lợi trong thời kỳ ra hoa.
 
Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm nhìn chung ổn định. Tính đến tháng Chín, đàn trâu cả nước giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2016; đàn bò tăng 2,7%; đàn gia cầm tăng 5,3%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 65,8 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi đạt 246,7 nghìn tấn, tăng 4,9%; sản lượng thịt gia cầm đạt 772,7 nghìn tấn, tăng 6,1%; trứng gia cầm đạt 7.562,7 triệu quả, tăng 7,2%. Chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá thịt lợn hơi ở mức thấp và biến động thất thường nên người nuôi chưa yên tâm tái đàn. Đàn lợn cả nước tính đến tháng Chín giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 2.731,9 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý III đạt 521,9 nghìn tấn, giảm 2,3%.
 
Lâm nghiệp
 
Diện tích rừng trồng tập trung của cả nước 9 tháng ước tính đạt 162,5 nghìn ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 84,4 triệu cây, tăng 2,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 7.916 nghìn m3, tăng 8,1% do thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ được mở rộng; sản lượng củi khai thác đạt 21,5 triệu ste, tương đương cùng kỳ năm 2016. Trong 9 tháng năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.316 ha, giảm 59,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 471 ha, giảm 79,3%; diện tích rừng bị chặt, phá là 845 ha, giảm 15,8%.
 
Thủy sản
 
Sản lượng thủy sản 9 tháng năm nay ước tính đạt 5.125,9 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3.699,6 nghìn tấn, tăng 4,1%; tôm đạt 603 nghìn tấn, tăng 8%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 2.676,1 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.909,1 nghìn tấn, tăng 2,8%; tôm đạt 480,8 nghìn tấn, tăng 9,7%. Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng của cả nước ước tính đạt 2.449,8 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 2.304,1 nghìn tấn, tăng 5%.
 
Sản xuất công nghiệp tăng
 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 ước tính tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 9 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,1% của 9 tháng năm 2016 và mức tăng 7,2% của 8 tháng năm nay (Trong đó: Quý I tăng 3,9%; quý II tăng 8,1%; quý III ước tính tăng 9,7%). Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%, đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua, đóng góp 9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm mạnh 8,1%, làm giảm 1,8 điểm phần trăm mức tăng chung.
 
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2017 tăng 9,8% so với 8 thángnăm 2016. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/9/2017 tăng 9,9% so với cùng thời điểm năm trước; tỷ lệ tồn kho bình quân 8 tháng là 65,5%.
 
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/9/2017 tăng 4,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 3,6%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,5%.
 
Hoạt động của doanh nghiệp: 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2017.
 
Tính chung 9 tháng năm nay, cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 902,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4%. Nếu tính cả 1.241,3 nghìn tỷ đồng của hơn 27,5 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2017 là 2.144 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 21.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên hơn 115 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 886,5 nghìn người, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
 
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2017 là 8.736 doanh nghiệp, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 8.022 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng là 49.345 doanh nghiệp, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 18.499 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,5% và 30.846 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 7,1%.
 
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2017 cho thấy: Có 41,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 17,9% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 40,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 52,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 36,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
 
Xu hướng chung trong quý IV năm nay, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn quý III, trong đó 54,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 9,9% số doanh nghiệp dự báo giảm và 35,9% số doanh nghiệp dự báo ổn định. Về số đơn đặt hàng, có 48,9% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 10,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 40,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định. Về số đơn hàng xuất khẩu, tỷ lệ tương ứng là 39,7%; 10,6% và 49,7%. Về sử dụng lao động, có 19,3% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng quy mô lao động; 7,2% số doanh nghiệp dự báo giảm và 73,5% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động.
 
Hoạt động dịch vụ đều tăng
 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2017 đạt 2.917,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2016 tăng 9%).
 
Vận tải hành khách 9 tháng ước tính đạt 3.013 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và 137,3 tỷ lượt khách.km, tăng 9%. Vận tải hàng hóa 9 tháng đạt 1.066,2 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và 198,2 tỷ tấn.km, tăng 6,7%.
 
Doanh thu lĩnh vực viễn thông 9 tháng năm 2017 ước tính đạt 283,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 120,4 triệuthuê bao, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 113,2 triệu thuê bao, giảm 12,7% do Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực hiện thanh tra đối với các nhà mạng trong việc quản lý sim rác, dự kiến số lượng thuê bao di động tiếp tục bị cắt giảm. Số thuê bao Internet băng rộng cố định ước tính đạt 10,5 triệu thuê bao, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng ước tính đạt 9.448,3 nghìn lượt người, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 8.013,6 nghìn lượt người, tăng 31,2%; đến bằng đường bộ đạt 1.244,8 nghìn lượt người, tăng 19,1%; đến bằng đường biển đạt 189,9 nghìn lượt người, giảm 6,2%. Trong 9 tháng, khách đến từ châu Á đạt 7.099,2 nghìn lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 1.394,6 nghìn lượt người, tăng 19%; khách đến từ châu Mỹ đạt 614,3 nghìn lượt người, tăng 10,7%; khách đến từ châu Úc đạt 314,1 nghìn lượt người, tăng 12,4%; khách đến từ châu Phi đạt 26 nghìn lượt người, tăng 29,1%.
 
Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm
 
Tính đến thời điểm 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 11,76%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,08% (cùng kỳ năm 2016 tăng 12,02%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%). Các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các chính sách và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng giảm 0,5%/năm; đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh được giảm 0,5%-1%/năm; đồng thời giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn 8%/năm; tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
 
Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng ước tính tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng trên 22%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.
 
Đầu tư phát triển: Vốn đầu tư nước ngoài tăng 28,3%
 
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.128,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,9% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 401,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,6% tổng vốn và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 450,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,9% và tăng 15,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 276,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,5% và tăng 13,5%.
 
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2017 thu hút 1.844 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,3% về số dự án và tăng 30,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 878 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,8 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng năm 2017 lên 21,3 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 9 tháng năm 2017 còn có 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,2 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Thu, chi ngân sách Nhà nước
 
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2017 ước tính đạt 786,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 617,7 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4%; thu từ dầu thô 31,8 nghìn tỷ đồng, bằng 83%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 134,6 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8%.
 
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2017 ước tính đạt 851,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 623 nghìn tỷ đồng, bằng 69,5%; chi trả nợ lãi 72,4nghìn tỷ đồng, bằng 73,2%; riêng chi đầu tư phát triển mới đạt 153 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 42,8% dự toán năm (trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 149,3 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4%). Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2017 ước tính đạt 128 nghìn tỷ đồng, bằng 78,1% dự toán năm.
 
Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
 
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Chín ước tính đạt 19 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước nhưng tiếp tục tăng mạnh 23,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,2 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,8 tỷ USD, tăng 21%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9 ước tính đạt 18,6 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 61,3 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,2 tỷ USD, tăng 26,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính xuất siêu 400 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2017, nhập siêu 442 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,08 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,64 tỷ USD. Đáng lưu ý là nhập siêu từ Hàn Quốc 9 tháng năm 2017 lên tới 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ 2016, là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là nhập siêu từ Trung Quốc với 19,7 tỷ USD, giảm 5,6%; nhập siêu từ ASEAN là 4,6 tỷ USD.
 
Xuất khẩu dịch vụ 9 tháng năm nay ước tính đạt 9,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 6,58 tỷ USD, chiếm 67,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 7,3%. Nhập khẩu dịch vụ 9 tháng ước tính đạt 12,55 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt 5,97 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 0,9%. Nhập siêu dịch vụ 9 tháng là 2,81 tỷ USD, bằng 28,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
 
Chỉ số giá tiêu dung, chỉ số giá sản xuất
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2017 tăng 0,59% so với tháng trước; CPI bình quân 9 tháng năm 2017 tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 9/2017 tăng 1,83% so với tháng 12/2016 và tăng 3,40% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 9/2017 tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước.
 
Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2017 tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Chỉ số giá vàng tháng 9/2017 tăng 2,61% so với tháng trước; tăng 6,12% so với tháng 12/2016; tăng 0,55% so với cùng kỳ năm trước.
 
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2017 tăng 0,03% so với tháng trước; giảm 0,03% so với tháng 12/2016 và tăng 1,78% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Tính chung 9 tháng năm 2017, chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,71% so với cùng kỳ năm 2016; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 0,44%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 0,61%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi tăng 2,12%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 3,76%.
 
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá 9 tháng năm 2017 tăng 4,73% so với cùng kỳ năm 2016; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa[1] 9 tháng năm nay tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Dân số, lao động và việc làm
 
Dân số trung bình năm 2017 của cả nước ước tính 93,7 triệu người, bao gồm dân số thành thị 32,9 triệu người, chiếm 35,1%; dân số nông thôn 60,8 triệu người, chiếm 64,9%; dân số nam 46,2 triệu người, chiếm 49,3%; dân số nữ 47,5 triệu người, chiếm 50,7%.
 
Theo kết quả Điều tra biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2017, tổng tỷ suất sinh ước tính đạt 2,04 con/phụ nữ; tỷ suất sinh thô ước tính đạt 14,71‰; tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 112,4 bé trai/100 bé gái; tỷ suất chết thô là 6,84‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi là 14,35‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi là 21,55‰. Tuổi thọ trung bình chung cả nước là 73,5 tuổi, trong đó nam là 70,9 tuổi và nữ là 76,2 tuổi.
 
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 1/10/2017 ước tính là 54,88 triệu người, tăng 446,4 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2016. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm trên ước tính 48,21 triệu người, tăng 391,8 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước.
 
Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong 9 tháng năm nay ước tính 53,52 triệu người, bao gồm 21,64 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 40,4% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 13,7 triệu người, chiếm 25,6%; khu vực dịch vụ 18,18 triệu người, chiếm 34%. Tính chung 9 tháng năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,26%, trong đó khu vực thành thị là 3,19%; khu vực nông thôn là 1,79%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (Từ 15-24 tuổi) là 7,63%, trong đó khu vực thành thị là 11,99%; khu vực nông thôn là 5,96%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,64%, trong đó khu vực thành thị là 0,87%; khu vực nông thôn là 2,06%. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản[2] là 57,1%, trong đó khu vực thành thị là 48,7%; khu vực nông thôn là 64,3%.
 
Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
 
Đời sống dân cư 9 tháng năm nay nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, do giá thịt lợn những tháng đầu năm giảm mạnh và ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ nên đời sống của các hộ chăn nuôi và dân cư ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Công tác an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí huy động từ ngân sách Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 9 thángnăm nay là 5.560 tỷ đồng, bao gồm: 3.256 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.677tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 627 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có 15 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Thiếu đói trong nông dân tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, cả nướccó 163,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 34,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 671,1 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 35,5%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 17,3 nghìn tấn lương thực và hơn 1 tỷ đồng./.
 
Chí Kiên

Xem thêm »