Tình trạng chi ngân sách của Việt Nam so với GDP đang ở mức cao

03/10/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 3/10/2017, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức công bố báo cáo: “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng”. Sau 10 năm kể từ khi Báo cáo chi tiêu công lần thứ 3 của Việt Nam được công bố, đây là lần thứ 4 Báo cáo được công bố công khai.

Báo cáo được hoàn thiện bởi các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, chủ trì là Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ và một số Bộ, cơ quan trung ương có liên quan; các địa phương tham gia xây dựng báo cáo là: Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Các chuyên gia WB tham gia báo cáo từ khâu khảo sát, lập đề cương, tổ chức nghiên cứu, đánh giá, đề xuất khuyến nghị và hoàn thiện. Báo cáo này có phạm vi khá toàn diện, bao gồm 15 chương, trong đó gồm: 5 chương liên ngành, 5 chương chuyên ngành (cho 5 ngành chiếm gần 50% tổng chi NSNN), 5 địa phương (đại diện cho 2 nhóm các địa phương điều tiết ngân sách về trung ương và các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương) và một đánh giá tổng quan gồm các nhận định và khuyến nghị bao trùm tất cả các chương.

Báo cáo đã cung cấp nhiều thông tin và kinh nghiệm quốc tế tốt trong quản lý chi tiêu công. Báo cáo này là căn cứ để Việt Nam xây dựng chính sách cũng như chương trình hành động trong thu chi ngân sách cho các năm tới. Việc xây dựng báo cáo giúp Chính phủ có thêm căn cứ để xây dựng chính sách cũng như chương trình hành động đúng đắn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là xử lý tốt hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với giảm nghèo và hội nhập quốc tế.

Tình trạng chi ngân sách của Việt Nam so với GDP đang ở mức cao

Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp nghiên cứu cho thấy tổng chi ngân sách Nhà nước bình quân chiếm khoảng 29,2% GDP, thuộc mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương. Đặc biệt, cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70/30 trong thời kỳ 2011-2015 so với 63/37 của thời kỳ 2006-2010. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay.

Trong đó chi cho giáo dục, y tế cao hơn mức tăng chi bình quân, song chi cho khoa học công nghệ lại thấp hơn mức bình quân. Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, quỹ lương tăng nhanh chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách do tăng lương cơ sở và tăng số lượng công chức viên chức, đặc biệt là ở cấp địa phương. Mặc dù so sánh quốc tế cho thấy, tỷ lệ chi lương cho công chức, viên chức của Việt Nam chưa quá cao nhưng xu hướng chi lương tăng nhanh cho thấy cần phải thận trọng. 

Theo Báo cáo, bội chi ngân sách bình quân trong giai đoạn 2011-2015 lên đến 5,6% GDP, cao hơn đáng kể so với các giai đoạn trước. Việc bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao đã làm tăng mức nợ công, rút ngắn kỳ hạn nợ và làm tăng gánh nặng trả nợ cho ngân sách, ảnh hưởng khả năng bền vững tài khóa trong trung hạn. Bên cạnh đó, tốc độ mở cửa và phân cấp nhanh chóng khiến cho việc quản lý kinh tế – tài chính trở nên phức tạp hơn. Chi đầu tư, mặc dù giảm tỷ trọng trong tổng chi tiêu ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn được duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới. 

Cũng theo đánh giá của bản báo cáo, tốc độ tăng thu của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tỷ lệ thu từ ngân sách Nhà nước so với GDP đã giảm từ 26,4% trong giai đoạn 2006-2010 xuống 23,4% trong giai đoạn 2011-2015. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô (từ 4,8% xuống 3%), từ hoạt động xuất nhập khẩu (5,5% xuống 4,2%). Các khoản thu về tài nguyên, đất đai sau nhiều năm tăng ở mức cao đã giảm xuống cùng với việc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng dẫn đến tăng thu có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây (từ 2,5% xuống còn 1,7%). Báo cáo đánh giá Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống chính sách thuế theo hướng ít phụ thuộc hơn vào các nguồn bên ngoài (thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu). Tỷ lệ thu nội địa trên tổng thu tăng từ 52,3% (giai đoạn 2001-2005) lên đến 58,9% (giai đoạn 2006-2010), và 68% (giai đoạn 2011-2015).

Với tổng đầu tư toàn xã hội, chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011-2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kỳ 2006-2010, cho thấy đầu tư của Nhà nước vào hạ tầng công cộng vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian qua, chủ yếu do cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện đang còn ở mức thấp, chưa phát triển.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện có nhiều cơ hội để nâng cao hiệu suất chi tiêu, thông qua việc tinh giản, cơ cấu lại bộ máy của khu vực công và giảm các chi phí đầu vào khác trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế như giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ, nông nghiệp và giao thông.
Hiện phân bổ và chi tiêu NSNN trong từng ngành còn chưa thực sự gắn kết với lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển của quốc gia và từng tiểu ngành. Tình trạng thiếu gắn kết giữa chi đầu tư xây dựng mới và chi hoạt động, duy tu, bảo dưỡng, đã tồn tại khá lâu ở hầu hết các ngành, song chưa có nhiều tiến triển trong những năm gần đây.

Báo cáo cũng đánh giá, nếu tất cả các dự án đã được phê duyệt đưa vào triển khai, Việt Nam sẽ là quốc gia có số lượng cảng nước sâu và sân bay quốc tế nhiều nhất thế giới so với quy mô của nền kinh tế. Vì vậy, thời gian tới cần tăng cường hiệu quả chi đầu tư.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện chính sách thu, chi, bội chi và quản lý nợ công của Việt Nam gắn với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015, báo cáo đã chỉ ra xu thế thu, chi, vay nợ của ngân sách nhà nước (NSNN) trong thời gian qua, kết quả đạt được và những hạn chế, thách thức về tài khóa.

Trên cơ sở đó, báo cáo đưa ra những khuyến nghị mang tính định hướng trong việc củng cố tài khóa, cải cách chính sách và quản lý tài chính công theo lộ trình trong ngắn, trung và dài hạn.

Cơ cấu lại ngân sách và chi tiêu hợp lý

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, nhằm đảm bảo bền vững về tài khóa, Quốc hội Việt Nam đã có nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP; phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. “Để đạt được những mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa một cách chủ động hơn, cả ở cấp Trung ương và cấp địa phương. Báo cáo đã đưa ra được các khuyến nghị cụ thể về các lựa chọn chính sách để thực hiện mục tiêu này” - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định.

Hội nghị đã bàn thảo, trao đổi về các nội dung: Củng cố tài khóa, tạo thuận lợi cho tăng trưởng, đảm bảo bền vững tài khóa và công bằng xã hội; nâng cao hiệu suất, hiệu quả chi tiêu theo ngành và chất lượng dịch vụ công. Bộ Tài chính có bài tham luận về vấn đề “Tạo dư địa tài khóa và quản lý rủi ro tài khóa” và “Đổi mới chính sách tài chính cung cấp dịch vụ công hướng tới mục tiêu công bằng và hiệu quả”; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham luận về “Cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực công phục vụ tăng trưởng bền vững và phát triển công bằng”; Bộ Y tế tham luận về “Nâng cao hiệu suất chi tiêu và chất lượng y tế”; Bộ Giao thông Vận  tải tham luận về “Nâng cao hiệu suất chi tiêu, chất lượng hạ tầng và dịch vụ giao thông”.

Tại Hội nghị, bản Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” đã đưa ra 68 khuyến nghị chính, bao gồm: Các biện pháp chính sách có thể được cân nhắc cho một chương trình củng cố tài khóa, đảm bảo bền vững tài khóa nhưng ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, thông qua duy trì mức độ chi tiêu hợp lý cho đầu tư phát triển và đảm bảo các mục tiêu xã hội; các khuyến nghị về định hướng cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, bao gồm: phân bổ ngân sách giữa Trung ương và địa phương, giữa đầu tư và thường xuyên, và giữa các lĩnh vực trong cùng một ngành.

Đồng thời, báo cáo cũng khuyến nghị các biện pháp nhằm đảm bảo kết quả của sự phát triển tích cực của Việt Nam sẽ được phân phối công bằng; các biện pháp đảm bảo hỗ trợ thích hợp cho người nghèo và cận nghèo. Báo cáo khuyến nghị cách tiếp cận theo lộ trình và các biện pháp tạo động lực phù hợp đối với những cải cách về thể chế quản lý tài chính công phức tạp, cũng như cải thiện khuôn khổ chính sách, pháp lý và tăng cường năng lực quản lý.

Trong số các khuyến nghị, Báo cáo này có lưu ý việc Chính phủ cần xây dựng và thực hiện một lộ trình củng cố tình hình tài khóa, để đảm bảo sự bền vững tài khóa song không hoặc ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có cam kết mạnh mẽ về giảm bội chi và duy trì nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép (65% GDP).

Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường động lực tăng trưởng bền vững. Cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, bao gồm phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa đầu tư và thường xuyên, và giữa các lĩnh vực trong cùng một ngành. Ngoài ra, cần duy trì và nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản thông qua việc từng bước tăng chi khai thác và duy tu bảo dưỡng qua kế hoạch tài chính-ngân sách và kế hoạch đầu tư trung hạn. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao công bằng trong phân phối nguồn lực giữa các địa phương; tiếp tục cải cách các thể chế quản lý tài chính công, trong đó cần tăng cường mức độ toàn diện và minh bạch của ngân sách, tăng cường cơ chế quản lý hiệu quả hoạt động và giải trình trách nhiệm, tăng cường giám sát và kiểm toán của cơ quan kiểm toán nhà nước và kiểm toán bên ngoài

Những nhận định, đánh giá từ báo cáo sẽ cung cấp thông tin cần thiết để giải đáp 3 câu hỏi lớn xuyên suốt 15 chương trong báo cáo: Làm thế nào để tạo dư địa tài khóa đáp ứng các nhiệm vụ chi tiêu chính đồng thời đảm bảo bền vững tài khóa; làm thế nào để chi tiêu công ở các cấp trung ương và địa phương gắn kết tốt hơn với các ưu tiên của quốc gia; và làm thế nào nâng cao trách nhiệm giải trình về kết quả, sao cho chi tiêu công đem lại hiệu quả lớn nhất.

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Văn phòng WB tại Việt Nam, đánh giá này được thực hiện vào thời điểm Việt Nam đang đứng trước những sự lựa chọn về chính sách tài khóa quan trọng. Ông cũng hy vọng báo cáo sẽ cung cấp những phân tích thiết thực cho Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cân nhắc các kế hoạch, chính sách phát triển, tài chính và ngân sách trung hạn trong thời gian tới. Đây cũng là dịp các Bộ, ngành của Việt Nam tự đánh giá, đề xuất các chính sách để thực hiện tốt hiệu suất chi tiêu công của ngành mình./.

Chí Kiên

Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” đã được trình và được Thủ tướng Chính phủ duyệt cho phát hành. Đồng thời, tại công văn số 8038/VPCP-KTTH ngày 02/8/2017 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo Đánh giá chi tiêu công và định kỳ 6 tháng báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các khuyến nghị.

Xem thêm »