Kiểm toán nhà nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2016-2020

28/09/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 
Theo đó, mục đích của việc ban hành Kế hoạch này nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; Tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, góp phần cùng cả nước phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020; góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).
 
Kế hoạch yêu cầu việc thực hiện Phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong các phong trào thi đua của KTNN và của từng đơn vị trong toàn Ngành giai đoạn 2016-2020; Phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trong toàn Ngành với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị; Phát huy được sáng kiến của mỗi cá nhân; Chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phổ biến những sáng kiến, kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo trong việc góp phần thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo, đặc biệt đối với các hoạt động kiểm toán có liên quan đến việc thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua.
 
Kế hoạch nêu rõ nội dung phong trào thi đua, cụ thể: Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ tới toàn thể đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của KTNN thông qua các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của cơ quan, đơn vị. Tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nội dung của Quyết định, gắn việc thực hiện nội dung của Quyết định với việc thực hiện nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị; Thực hiện Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành với chủ đề "Kiểm toán nhà nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 của KTNN.
 
Nội dung thi đua là bám sát mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch công tác của Ngành, của đơn vị giai đoạn 2016-2020, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu kế hoạch công tác đề ra.
 
Đồng thời, các đơn vị trực thuộc KTNN căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo; Thi đua góp phần giảm nghèo, gắn Phong trào thi đua với việc hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; thi đua đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm huy động sức mạnh tập thể, cá nhân trong toàn ngành có những việc làm thiết thực, tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, của cải vật chất, hỗ trợ giúp đỡ các địa phương, cơ sở, cộng đồng và các hộ gia đình giảm nghèo và thoát nghèo.
 
Để thực hiện tốt các nội dung trên, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt cac giải pháp sau: Căn cứ vào đặc điểm, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, có các hình thức tuyên truyền cho phù hợp, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quyết tâm triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; Các đơn vị trực thuộc KTNN tiếp tục triển khai sâu rộng Phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, tránh hình thức, lãng phí; Phát hiện, xây dựng các tập thể và cá nhân điển hình tiến tiến làm nòng cốt cho Phong trào thi đua, tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các tập thể, giữa các cá nhân trong một tập thể để cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua. Năm 2018, các đơn vị trực thuộc KTNN chủ động tổ chức sơ kết giữa kỳ, đánh giá rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2020.
 
Bên cạnh đó, chủ động trong công tác khen thưởng, phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời và đề xuất cấp trên khen thưởng theo thẩm quyền. Thực hiện việc bình xét khen thưởng đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch; Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông trong và ngoài ngành để đẩy mạnh tuyên truyền, phát động Phong trào thi đua trên các lĩnh vực công tác của KTNN; Tổ chức tập huấn, tuyên truyền Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng của KTNN, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; Nâng cao vai trò của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp của KTNN trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua; củng cố và nâng cao chất lượng công chức, viên chức làm công tác thi đua khen thưởng, đặc biệt là công chức, viên chức làm công tác thi đua khen thưởng tại các đơn vị trực thuộc KTNN, đảm bảo thực sự có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề ra tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân: Phải hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; Chủ động, tích cực nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách giảm nghèo với lộ trình phù hợp tình hình và yêu cầu thực tế; Khuyến khích và phát huy vai trò của cộng đồng, đặt người nghèo làm chủ thể, làm trọng tâm trong quá trình góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, tập trung ưu tiên, hỗ trợ cho các địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, mở rộng đối tượng hỗ trợ hợp lý, giảm chính sách cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả; Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa bàn nghèo thực hiện có hiệu quả chính sách, chương trình giảm nghèo; Chủ động tích cực huy động nguồn lực, có nhiều sáng kiến mô hình giảm nghèo bền vững được nhân rộng, giúp cho người nghèo tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, không tái nghèo.
 
Về hình thức khen thưởng, gồm có khen thưởng hàng năm; khen thưởng sơ kết Phong trào thi đua năm 2018; Khen thưởng tổng kết Phong trào thi đua năm 2020.
 
Về tiến độ thực hiện phong trào thi đua, Kế hoạch chỉ rõ, Năm 2016 phát động Phong trào thi đua; Năm 2018 sơ kết giữa kỳ và khen thưởng theo thẩm quyền; Năm 2020 tổng kết Phong trào thi đua và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp trong thực hiện công tác giảm nghèo và hỗ trợ người nghèo. Kế hoạch cũng nêu chi tiết cụ thể nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Kiểm toán nhà nước và của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước./.
 
Thanh Trang

Xem thêm »