Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại

13/09/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 13/9/2017, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp

Trình bày Tờ trình xin ý kiến UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện chế độ, chính sách của Nhà nước trong công tác đối ngoại đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, cơ chế quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại còn phân tán và bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp quy. Hoạt động đối ngoại không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn diễn ra ở ngoài nước thông qua 98 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài thuộc các bộ, cơ quan Trung ương. Do đó, hoạt động đối ngoại không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà còn phải tuân thủ các công ước quốc tế năm 1961, 1963; hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước sở tại, pháp luật nước sở tại.

Mặt khác, nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa bao quát các nội dung đặc thù của cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đối ngoại ở ngoài nước (đặc biệt đối với nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sự không tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.

Để hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả, kịp thời, phù hợp với đặc thù công tác đối ngoại, đồng thời giúp tháo gỡ những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách áp dụng trong lĩnh vực đối ngoại, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại là thực sự cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình xin ý kiến UBTVQH

Tờ trình nêu rõ quan điểm xây dựng Nghị định là nhằm cụ thể hóa Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về những định hướng chính sách ưu tiên đối với hoạt động đối ngoại; hệ thống hóa các chế độ, chính sách và quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm các hoạt động đối ngoại tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trên cơ sở phát huy những mặt tích cực, phù hợp với thực tiễn và khắc phục tồn tại trong quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý ngân sách Nhà nước nói chung và trong lĩnh vực đối ngoại nói riêng.

Việc ban hành Nghị định nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý đồng bộ trong quản lý ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện tập trung triển khai các nhiệm vụ đối ngoại nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; kiên quyết đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hữu nghị, hợp tác bình đẳng phục vụ phát triển; tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách trong hoạt động đối ngoại; đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo dự thảo, Nghị định gồm 4 chương với 19 điều, quy định về nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; lập dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản đồng tình về sự cần thiết ban hành Nghị định, đồng thời tập trung đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề liên quan đến căn cứ pháp lý xây dựng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định; số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu được để lại một phần để bù đắp chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác thu phí theo quy định; chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ; chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chi hoạt động đối ngoại của ngân sách Trung ương và chi hoạt động đối ngoại của ngân sách địa phương;..

Đa số ý kiến Thường trực UBTCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cho phép để lại một phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao để thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động như quy định hiện hành.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình và đánh giá rõ hơn về tác động của số thu phí được để lại, làm rõ hơn tính hợp lý của việc cho phép để lại một phần cho cơ quan đại diện ở nước ngoài, vì cơ quan đại diện không thực hiện cơ chế khoán chi và khoản phí này nếu được để lại theo luật phí, lệ phí thì cũng không sử dụng để tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn nội dung chi, cơ cấu chi, tỷ lệ bố trí chi để nâng cao đời sống, chi bổ sung mua sắm, sửa chữa. Nếu chỉ sử dụng để chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì cần có nguyên tắc nhất định như khống chế mức tối đa. Đồng thời, cần có cơ chế sử dụng công khai, minh bạch và rõ tiêu chí phân phối thu nhập, bảo đảm công bằng giữa các nước, các khu vực và cơ chế giám sát việc sử dụng khoản phí để lại này.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ sự khác biệt, phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa chi hoạt động đối ngoại của ngân sách Trung ương và chi hoạt động đối ngoại của ngân sách địa phương.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao UBTCNS của Quốc hội hoàn thiện thông báo ý kiến góp ý của UBTVQH đối với dự thảo Nghị định, gửi Chính phủ để Chính phủ chính thức ban hành Nghị định./.

Hà Linh

Xem thêm »