Nâng cao chất lượng kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa

28/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Những năm gần đây, công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính trước khi công bố cổ phần hóa (CPH) đã thu được nhiều kết quả tích cực, giúp vốn nhà nước tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi yêu cầu về việc xác định giá trị doanh nghiệp trước CPH tăng lên, Kiểm toán nhà nước (KTNN) phải có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, qui trình và phương pháp kiểm toán cho nhiệm vụ quan trọng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp trước khi CPH còn nhiều thách thức

Thực hiện Luật KTNN và Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2011/NĐ-CP; Thông tư 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, KTNN đã tổ chức gần chục cuộc kiểm toán xác định kết quả về giá trị DNNN trước CPH của các tổ chức tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố công khai.

Với nguồn nhân lực hiện tại, KTNN cơ bản đáp ứng yêu cầu kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi CPH. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ mới, mang tính chất phức tạp nên quy trình kiểm toán đòi hỏi phải xây dựng, ban hành riêng và trình độ chuyên môn của Kiểm toán viên phải cao hơn. Công tác kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi CPH cần được nghiên cứu, hoàn thiện từ cách thức tổ chức thực hiện đến báo cáo kết quả kiểm toán và sử dụng kết quả kiểm toán khi xác định giá doanh nghiệp, qua đó góp phần kiểm soát chặt chẽ quá trình CPH DNNN, đảm bảo minh bạch, công bằng tránh thất thoát nguồn lực Nhà nước. 

Theo bà Đào Thị Thu Vĩnh – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, hiện công tác kiểm toán kết quả xác định giá trị DNNN của tổ chức tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố CPH được thực hiện theo Quy trình kiểm toán của KTNN do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành theo Quyết định số 08/2016/QĐ-KTNN (23/12/2016) và hệ thống hồ sơ mẫu biểu chung, chưa có hướng dẫn kiểm toán chi tiết cụ thể và mẫu biểu kiểm toán áp dụng riêng khi kiểm toán kết quả xác định giá trị DNN của tổ chức tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp CPH.

Khi khảo sát thu thập và phân tích thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm toán, tùy thuộc vào đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, Đoàn kiểm toán sẽ xác định các vấn đề trọng tâm, mục tiêu, nội dung, phương pháp và thủ tục, phạm vi và giới hạn kiểm toán phải thực hiện khi kiểm toán. Thông thường đối với cuộc kiểm toán kết quả xác định giá trị DNNN của tổ chức tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp CPH, mục tiêu kiểm toán thường bao gồm: Đánh giá tính đúng đắn, hợp lý kết quả xử lý tài chính của đơn vị được CPH và kết quả tư vấn định giá giá trị doanh nghiệp do công ty được thuê tư vấn thực hiện; Đánh giá tính tuân thủ các quy định của Nhà nước trong việc định giá và xử lý tài chính để CPH đơn vị do Công ty được thuê tư vấn và các cơ quan có liên quan thực hiện; Cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở phê duyệt giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn Nhà nước của đơn vị tại thời điểm 0h ngày 01/01/20XX; Thông qua quá trình kiểm toán, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp để CPH nếu phát hiện thấy chưa phù hợp.

Nêu những hạn chế chủ yếu đối với lĩnh vực kiểm toán này, bà Đào Thị Thu Vĩnh cho rằng: Do chưa có hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực kiểm toán kết quả xác định giá trị DNN của tổ chức tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp CPH, nên phương pháp và thủ tục kiểm toán của các Đoàn kiểm toán còn đồng nhất, chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của Kiểm toán viên, mặc dù khi tổ chức xét duyệt kế hoạch kiểm toán đã cố gắng thống nhất về mục tiêu, nội dung kiểm toán. 

Hơn nữa, KTNN chưa có mẫu biểu kiểm toán cụ thể cho dạng công việc kiểm toán này, nên có Đoàn kiểm toán thực hiện lập bảng tính và kiến nghị tăng thu, có Đoàn kiểm toán lại không thực hiện tính toán bổ sung, không kiến nghị tăng thu hoặc chỉ kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra, truy thu; có Đoàn kiểm toán thì phát hành Báo cáo kiểm toán; có Đoàn kiểm toán phát hành Báo cáo thẩm định.

Hiện nay công việc kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của tổ chức tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính DNNN trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp CPH được giao cho nhiều đơn vị KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực thực hiện. Việc phân công nhiệm vụ kiểm toán lĩnh vực này chưa tập trung vào một đơn vị, nên có tình trạng trong nhiều đơn vị trong cả năm mới thực hiện một cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực này, nên Kiểm toán viên  phải mất nhiều thời gian nghiên cứu thực hiện kiểm toán công việc này, sau đó lại hầu như không kiểm toán dạng này nữa. Do vậy, khi tiến hành kiểm toán, tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa không cao và tốn mất nhiều thời gian trong khâu kiểm toán, nhất là giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán.

Làm rõ hơn thực trạng tổ chức kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi CPH của KTNN, PGS,TS. Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành V cho biết: Các cuộc kiểm toán xác định giá trị DNN  thường được Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ bổ sung khi có văn bản Đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, nên các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán không chủ động trong công tác lập kế hoạch kiểm toán. Thời gian thực hiện kiểm toán thường vào cuối năm, trong thời điểm đó nguồn lực của đơn vị đã được bố trí vào các Đoàn kiểm toán đang thực hiện nhiệm vụ nên để bố trí  bổ sung Kiểm toán viên có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ này gặp khó khăn nhất định. 

Đồng quan điểm với bà Đào Thị Thu Vĩnh, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V cho biết, đến nay, KTNN chưa ban hành hướng dẫn kiểm toán, mẫu biểu, hồ sơ liên quan đến loại hình kiểm toán này, dẫn đến các Báo cáo kiểm toán phát hành chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng tên gọi của Báo cáo kiểm toán có thể được gọi là “Báo cáo kiểm toán” hoặc “Báo cáo thẩm định”. Bên cạnh đó, thời gian khảo sát, lập KHKT, thực hiện kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán của KTNN đối với loại hình này cơ bản đảm bảo theo quy định của Luật KTNN, nhưng lại không đảm bảo thời gian theo quy định của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, do đôi lúc làm kéo dài quá trình CPH của DNNN. 

Đối với việc tổ chức kiểm toán loại hình này ở một số Đoàn kiểm toán chưa bố trí cơ cấu nhân sự Kiểm toán viên hợp lý dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm toán kết quả định giá việc quy đổi giá của các tài sản là nhà cửa, máy móc thiết bị, vật kiến trúc…. 

Các Kiểm toán viên thuộc các Đoàn kiểm toán đều không có chứng chỉ thẩm định viên về giá theo quy định của Luật giá nên có nhiều hạn chế trong việc đưa ra giá trị của tài sản cũng như giá trị doanh nghiệp, mà chỉ đánh giá quy trình kiểm toán. Nội dung kiểm toán của các cuộc kiểm toán mới dừng lại ở kết quả xử lý tài chính và định giá doanh nghiệp mà chưa kiểm toán đến phương án CPH, cũng như công tác tổ chức định giá doanh nghiệp...

Cùng quan điểm với PGS.TS Lê Huy Trọng, Ths. Nguyễn Đức Tín - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV nhận định: Trong năm 2016 KTNN đã hoàn thành tốt các cuộc kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi CPH, đã xác định được mục tiêu kiểm toán, xây dựng được nội dung, trọng tâm, phạm vi, giới hạn, phương pháp và đơn vị được kiểm toán phù hợp với mục tiêu; đã tổ chức Đoàn kiểm toán đáp ứng được yêu cầu của công việc. Trong quá trình thực hiện, Đoàn kiểm toán đã tập trung đánh giá những nội dung trọng tâm như sự phù hợp của phương pháp định giá; tính hợp lý, đúng quy định của giá trị các tài sản; thời gian sử dụng hữu dụng của các tài sản; xử lý các vấn đề tài chính; chú trọng đến yêu cầu đảm bảo không để thất thoát tài sản, thiệt hại cho Nhà nước khi tiến hành CPH các DNNN… Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện kiểm toán việc xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính khi CPH, Kiểm toán viên chưa được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp xác định giá trị thực tế của từng loại tài sản của DNNN khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu… Mỗi Kiểm toán viên phải tự nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp luật, tiêu chuẩn và kiến thức về thẩm định giá để thực hiện nhiệm vụ được giao. Do đó, có thể có Kiểm toán viên nắm bắt chưa đầy đủ những việc đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp (TVXĐGTDN) phải thực hiện; chưa thể đánh giá có tính thuyết phục về tính hợp lý của giá trị tài sản do đơn vị TVXĐGTDN đề nghị.

Ông Nguyễn Đức Tín cho rằng, thời gian kiểm toán tại đơn vị TVXĐGTDN ít hơn thời gian kiểm toán tại DNNN được CPH như hiện nay là chưa hợp lý, bởi việc kiểm toán tại đơn vị tư vấn là rất quan trọng, cần bố trí nhiều thời gian để Kiểm toán viên kiểm toán việc đơn vị này đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để xác định giá trị doanh nghiệp hay không? các thông tin làm căn cứ đưa ra ý kiến và nguồn thu thập thông tin đảm bảo tính đầy đủ, có cơ sở, thuyết phục khi đưa ra ý kiến về giá trị doanh nghiệp hay không?                                                                              

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Tín nêu một số hạn chế về thông tin, tài liệu và phương pháp thích hợp để kiểm chứng, đánh giá ý kiến của đơn vị TVXĐGTDN về giá trị từng loại tài sản (phương pháp tài sản) hoặc giá trị các nguồn vốn hình thành tài sản (phương pháp dòng tiền chiết khấu). Như trong áp dụng phương pháp giá trị tài sản, giá trị thực tế của tài sản theo hướng dẫn là bằng (=) nguyên giá tính theo giá thị trường tại thời điểm tổ chức định giá nhân (x) chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm định giá. Kiểm toán viên chủ yếu kiểm toán, đánh giá việc đơn vị TVXĐGTDN có thực hiện đầy đủ các thủ tục, thu thập đầy đủ các thông tin để đưa ra ý kiến tư vấn hay không? nhưng thông tin về giá thị trường tại thời điểm tổ chức định giá của tài sản, chất lượng còn lại của tài sản có hợp lý, phù hợp thực tế hay không thì KTV rất khó để đánh giá vì thiếu thông tin về giá trị các loại tài sản, hàng hóa trên thị trường để có thể so sánh; cũng như khó xem xét sự phù hợp chất lượng và thời gian sử dụng còn lại, chủ yếu là chấp nhận tỷ lệ còn lại theo đánh giá và mô tả của tổ chức TVXĐGTDN.

Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp trước khi CPH

Trên cơ sở nhận định, đánh giá về các tồn tại, hạn chế trong quá trình kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi CPH, nhiều ý kiến của KTNN các chuyên ngành, khu vực đề xuất những giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán xác định giá trị DN và xử lý tài chính trước khi công bố giá trị DNNN CPH. 

KTNN cần sớm ban hành hướng dẫn kiểm toán đối với loại hình kiểm toán này dưới dạng sổ tay, đảm bảo sự thống nhất về hồ sơ mẫu biểu. Cần đào tạo, bồi dưỡng nhóm nhân sự có kinh nghiệm để ưu tiên trong việc thực hiện kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi CPH. Thẩm định và kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với loại hình kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi CPH của KTNN. Cần rút ngắn quá trình khảo sát, lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán, thẩm định và phát hành báo cáo kiểm toán đối với loại hình kiểm toán này nhằm đảm bảo tiến độ quá trình CPH.

Trước khi kiểm toán, các Đoàn kiểm toán cần thu thập đầy đủ các thông tin về tình hình tài chính của DNNN được CPH, đặc biệt là tình trạng nợ, tài sản, hàng tồn kho nhằm đánh giá đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp. Bố trí Kiểm toán viên tham gia kiểm toán của các DNNN có tài sản lớn, đặc biệt là DNNN có khối lượng TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc... Cần tăng cường Kiểm toán viên có chuyên môn về kỹ thuật để tính toán xác định giá trị thị trường đối với các loại tài sản hữu hình theo phương pháp tài sản.

Bố trí thời gian cuộc kiểm toán theo hướng tăng thời gian kiểm toán tại đơn vị TVXĐGTDN, đảm bảo thời gian cho việc xem xét, đánh giá các thông tin, số liệu, tài liệu, căn cứ do đơn vị thu thập, các thủ tục thẩm định giá đơn vị này đã thực hiện để đưa ra ý kiến tư vấn về giá trị doanh nghiệp. Cần bố trí Kiểm toán viên có chuyên môn về XDCB khi DNNN được CPH có tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật… Ngoài ra, trong Đoàn kiểm toán nên có các Kiểm toán viên đã từng tham gia kiểm toán báo cáo tài chính năm gần với thời điểm xác định giá trị do đã hiểu rõ về hoạt động, tình hình tài sản, nguồn vốn của DN này, sẽ thuận lợi hơn trong kiểm toán việc xác định giá trị DNNN và xử lý tài chính khi CPH.         

Các KTNN chuyên ngành, khu vực cần nắm bắt được thời điểm xác định giá trị DNNN để CPH và kế hoạch thực hiện định giá của các doanh nghiệp thuộc phạm vi chịu trách nhiệm kiểm toán thuộc diện phải được KTNN kiểm toán. Từ đó, có thể dự phòng Kiểm toán viên và thời gian để thực hiện nếu như nhiệm vụ này chưa được giao từ đầu năm, nhằm tránh bị động về nhân sự, thời gian khi được Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện.

Để khắc phục tình trạng thiếu thông tin làm cơ sở cho việc so sánh, đánh giá tính hợp lý của giá thị trường, chất lượng còn lại của tài sản được định giá do đơn vị TVXĐGTDN đề nghị, trong trường hợp Kiểm toán viên nghi ngờ có sự chênh lệch đáng kể, có thể gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, Đoàn kiểm toán nên tổ chức thu thập thông tin về giá cả từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng cần định giá hoặc từ các cơ quan quản lý giá, thống kê, thuê tổ chức có chuyên môn khác hoặc chuyên gia để xác định lại chất lượng còn lại của tài sản.

Khi tổ chức kiểm toán cần kiểm toán toàn diện công tác tổ chức định giá doanh nghiệp, kết quả định giá và xử lý tài chính cũng như việc xây dựng phương án CPH của Ban chỉ đạo CPH,

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhóm Kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ này các kỹ năng, quy trình thẩm định theo quy định của Luật Giá nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho Kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán.

Tăng cường thực hiện quy chế sử dụng cộng tác viên là các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi CPH./.

Hà Linh

  

Xem thêm »