Một năm thực hiện Chỉ thị số 769 về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN

12/07/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong những năm qua, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành và thực hiện nhiều giải pháp đổi mới nhằm nâng cao trách nhiệm, năng lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán, đặc biệt ngày 29/4/2016, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 769/CT-KTNN về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN. Việc ban hành Chỉ thị và qua 1 năm triển khai trên thực tế đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc KTNN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong thời gian qua.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN

Thành công từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo KTNN luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng của KTNN là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong công tác kiểm toán; việc nâng cao ý thức, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán là một trong những giải pháp thường xuyên, liên tục để nâng cao chất lượng kiểm toán. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục ban hành Công điện số 629/KTNN-CĐ ngày 02/6/2016 về việc tăng cường kiểm soát thông tin, kết quả kiểm toán, Công điện số 658/CĐ-KTNN ngày 8/6/2016 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm toán. Các đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện với nhiều hình thức cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn: Ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện, tổ chức các buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề, các buổi họp Đoàn kiểm toán hoặc lồng ghép vào các lớp đào tạo, tập huấn, tọa đàm chuyên môn... 

Đặc biệt, trong năm 2016 Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1793/QĐ-KTNN ngày 04/11/2016 quy định tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng thành viên Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Đoàn KTNN, đồng thời chỉ đạo toàn ngành tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đánh giá kết quả kiểm toán trong 02 năm (2014 và 2015) để rút ra các bài học kinh nghiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và từng Kiểm toán viên (KTV) trong thực thi nhiệm vụ.  

Đầu năm 2017, Ban cán sự Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức đảng, đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 39 KH/BCSĐ ngày 15/7/2016 của Ban cán sự Đảng về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Bên cạnh đó, Đảng ủy KTNN đã ban hành Chỉ thị số 237-CT/BTV ngày 19/01/2017 về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2017”, trong đó tiếp tục nhấn mạnh đến việc lãnh đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Công văn số 230/KTNN-TH ngày 23/02/2017 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 769/CT-KTNN ngày 29/4/2016 và Công văn số 258/KTNN-VP ngày 28/02/2017 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, yêu cầu các đơn vị tập trung nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán nhằm hoàn thành tốt nhất kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2017.

Một trong những nhiệm vụ được các cấp lãnh đạo, cấp ủy đảng quan tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt về Chỉ thị. Đảng ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt và yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tổ chức nhiều hình thức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước. Hầu hết Thủ trưởng các đơn vị đã ban hành văn bản hoặc tổ chức hội nghị tuyên truyền, quán triệt các nội dung của Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị, trong đó nhấn mạnh những nội dung liên quan về đạo đức nghề nghiệp, quy chế hoạt động, trách nhiệm của công chức, KTV trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; nêu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nêu rõ vai trò của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán theo Luật KTNN, Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 100% các Đoàn kiểm toán đã được quán triệt, phổ biến nội dung Chỉ thị và yêu cầu các thành viên, Tổ kiểm toán nghiêm túc thực hiện xuyên suốt trong quá trình kiểm toán. 

Thực hiện Chỉ thị, Thủ trưởng các đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết số 48-NQ/BCSĐ ngày 14/10/2015 của Ban cán sự Đảng KTNN về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của KTNN” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức trong đơn vị đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đã được tổ chức dưới nhiều hình thức, gắn việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nhờ đó đã tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng về phòng, chống tham nhũng của đảng viên, công chức, người lao động trong đơn vị, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, công chức trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.  

Các đơn vị làm công tác thông tin tuyên truyền trong Ngành thường xuyên cập nhật các tin, bài giới thiệu chuyên sâu về Luật KTNN và các nội dung thiết thực khác, như: Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Quy chế về tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN; Quy tắc ứng xử của KTV nhà nước, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán và các quy trình kiểm toán; các văn bản do Quốc hội, Chính phủ mới ban hành liên quan đến tổ chức hoạt động của KTNN. Đồng thời, đăng tải kịp thời các thông tin chỉ đạo, điều hành của Tổng Kiểm toán nhà nước về hoạt động kiểm toán, kịp thời đưa các tin tức, sự kiện liên quan đến hoạt động của KTNN, kế hoạch kiểm toán năm, kết quả kiểm toán nổi bật. Kênh truyền thông của KTNN đã góp phần truyền tải sâu rộng thông điệp phòng, chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán không chỉ trong mà cả ngoài ngành KTNN. 

Đến kết quả  trong công tác phòng, chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán

Trong 01 năm qua, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm toán bám sát với định hướng phòng, chống tham nhũng của trung ương. KHKT tập trung vào những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, như: Việc giao đất, quản lý sử dụng đất, các dự án giao đất để xây dựng các khu đô thị; quản lý các dự án đầu tư, cơ chế quản lý và thực hiện các dự án BOT, PPP; quá trình thực hiện tái cơ cấu và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa, tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng; quản lý tài nguyên, khoáng sản; việc đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế... Căn cứ vào kế hoạch, mục tiêu, nội dung, trọng tâm và phương án tổ chức kiểm toán, Thủ trưởng các đơn vị đã chỉ đạo các Đoàn kiểm toán khi lập KHKT cần phải ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán có nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí.

Trước khi triển khai các cuộc kiểm toán, Kiểm toán trưởng, Trưởng Đoàn kiểm toán đã tổ chức họp quán triệt Chỉ thỉ của Tổng Kiểm toán nhà nước, cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, trọng tâm kiểm toán và phương pháp kiểm toán. Các Đoàn kiểm toán tiến hành tập huấn, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật các văn bản chính sách đang được áp dụng, đặc biệt quán triệt việc thực hiện nghiêm Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, Quy tắc ứng xử của KTV nhà nước, Chuẩn mực KTNN về đạo đức nghề nghiệp, việc ghi chép nhật ký kiểm toán, lập hồ sơ kiểm toán, thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thận trọng đối với những phát hiện kiểm toán có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí.

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo Đoàn kiểm toán thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, đánh giá tiến độ, kết quả kiểm toán, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn của Đoàn kiểm toán, qua đó công tác quản lý KTV nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được đảm bảo chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán. 

Nhờ những giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt, đồng bộ cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị, KTNN đã đạt được kết quả kiểm toán nổi bật, năm 2016 kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng, trong đó tăng thu 11.365 tỷ đồng, giảm chi 16.174 tỷ đồng. Đây là năm có kết quả kiến nghị xử lý tài chính cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN và tăng gấp 2 lần so với năm 2015 (19.863 tỷ đồng). Đáng chú ý, đến 30/6/2017 KTNN đã chuyển 03 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra; cung cấp 19 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng theo quy định. Kết quả kiểm toán của KTNN đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước và góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán, trong đó có một số nội dung kiến nghị tiếp tục thanh tra, kiểm tra làm rõ dấu hiệu sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm toán sơ bộ đến 30/6/2017 thuộc KHKT năm 2017 tiếp tục ghi nhận một số kết quả kiểm toán nổi bật: Tổng xử lý tài chính là 20.859,1 tỷ đồng, tăng 462,3% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2016; phát hiện một số cơ chế, chính sách lớn trong quản lý, điều hành các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư của Bộ Giao thông Vận tải; Chuyên đề việc giao đất có thu tiền sử dụng đất khu đô thị tại một số địa phương; cơ chế, chính sách trong quản lý, điều hành tại Kho bạc Nhà nước, hoạt động quản lý đầu tư xây dựng và hiệu quả đầu tư dự án của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam; Chuyên đề Quản lý, điều hành giá xăng dầu, Quỹ bình ổn giá xăng dầu...
 Trong chỉ đạo các Đoàn kiểm toán, hầu hết các Kiểm toán trưởng đã yêu cầu các Đoàn kiểm toán tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quá trình thực hiện kiểm toán. Sau khi báo cáo kiểm toán (BCKT) được gửi tới các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền theo quy định, Tổng Kiểm toán nhà nước đã gửi thông báo các kết quả và kiến nghị kiểm toán chủ yếu đến người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị và tăng cường phối hợp công tác. Bên cạnh đó, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cũng đã tích cực gửi công văn đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo đơn vị phụ trách, trong trường hợp các đơn vị thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với kết quả thấp, Kiểm toán trưởng tiếp tục gửi công văn đến người đứng đầu các đơn vị được kiểm toán để đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm ý kiến kết luận, kiến nghị của KTNN, nhờ vậy việc thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2016 đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả kiến nghị xử lý tài chính các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện đạt 75,6% tổng số kiến nghị đủ bằng chứng, tăng 11,3% so với năm 2015 (64,3%), nhiều kết luận, kiến nghị kiểm toán về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân được Thủ trưởng các đơn vị quyết liệt đôn đốc thực hiện.

Bên cạnh những kết quả nổi bật trong công tác kiểm toán của các KTNN chuyên ngành và khu vực; khối các đơn vị tham mưu đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ và tăng cường các hoạt động để thực hiện tốt Chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước, trong đó thực hiện kiểm soát gián tiếp theo kế hoạch và đẩy mạnh việc kiểm soát trực tiếp, kiểm soát đột xuất đối với các Đoàn kiểm toán; triển khai việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật KTNN năm 2015, đặc biệt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đã xong dự thảo lần 3 và đăng Website lấy ý kiến các đơn vị có liên quan. Kế hoạch thanh tra được chủ động xây dựng, trong đó tăng cường thanh tra đột xuất công chức, công vụ, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với một số Trưởng Đoàn kiểm toán, KTV; các đơn thư khiếu nại, tố cáo được xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện một số vi phạm và kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm...

Một trong những nội dung quan trọng là việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự Đảng KTNN với các đơn vị trong Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng  được Tổng Kiểm toán nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt. KTNN đã tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, nhất là các các cơ quan tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng. Đồng thời tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công. KTNN tiếp tục phối hợp hiệu quả với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tích cực phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an trong kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Trong năm qua, Ban cán sự Đảng KTNN đã ký Quy chế phối hợp với Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ban cán sự Đảng KTNN duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo với các ban đảng trung ương, báo cáo tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Với những kết quả nêu trên đã nói nên sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, lãnh đạo các đơn vị và sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức trong nhận thức và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị; tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn Ngành. Tuy nhiên, một số cấp ủy, lãnh đạo đơn vị nhận thức chưa sâu sắc về mục đích, nội dung và yêu cầu của Chỉ thị; việc triển khai cụ thể hóa, liên hệ, vận dụng vào thực tế phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, nhiệm vụ của từng cá nhân chưa được chú ý đúng mức; công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến về công tác phòng, chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán của một bộ phận, đơn vị chưa thật sự phong phú, chưa thiết thực, còn hình thức; việc lựa chọn lĩnh vực kiểm toán, đối tượng kiểm toán của một số đơn vị còn dựa theo kinh nghiệm, lối mòn, chưa quan tâm sử dụng phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu để xác định trọng tâm kiểm toán, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, việc lựa chọn lĩnh vực, đối tượng kiểm toán có lúc gặp khó khăn do trùng lắp kế hoạch với cơ quan thanh tra, kiểm tra của Bộ, ngành, các địa phương...  

Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, tiếp tục tổ chức triển khai một cách sâu rộng, toàn diện Chỉ thị 769/CT-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước; toàn Ngành xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản:

Cấp ủy, lãnh đạo các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc mục đích, nội dung Chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 39 KH/BCSĐ ngày 15/7/2016 của Ban cán sự Đảng về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc các hình thức, biện pháp học tập, quán triệt; coi trọng các hình thức sinh hoạt chính trị tư tưởng giúp công chức, KTV nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, nội dung của Chỉ thị, khơi dậy niềm tự hào, lòng tự trọng nghề nghiệp và đề cao trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. 

Các Đoàn kiểm toán thực hiện nhiệm vụ cần tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán nổi cộm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm, chỉ rõ các sai phạm phát hiện được trong quá trình kiểm toán để kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, tài sản công; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng để làm rõ bản chất của các sai phạm có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp, quy chế, quy định của KTNN và văn hóa ứng xử của KTV nhà nước; giải quyết kịp thời đúng quy định các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; nâng cao nhận thức về tính tiền phong, gương mẫu và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức; giữ gìn đạo đức, liêm chính và hình ảnh của KTV nhà nước. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu kém, vi phạm kỷ luật, nội quy cơ quan để từng bước nâng cao uy tín của KTNN.

Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện các vụ việc, hành vi có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng, Trưởng Đoàn kiểm toán phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Ủy ban kiểm tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định; trường hợp cố tình che dấu thì phải chịu trách nhiệm trước Tổng KTNN và trước pháp luật. 

Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, tập trung kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện qua hoạt động kiểm toán, tiếp tục kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiêm khắc đối với các trường hợp không thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. 

Tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng, lãng phí do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán; kịp thời chuyển, cung cấp hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Song song với việc đào tạo về phương pháp nghiệp vụ kiểm toán cần tăng cường đào tạo, trang bị cho KTV kiến thức chuyên sâu về pháp luật hình sự, kỹ năng nghiệp vụ điều tra, phát hiện hành vi tham nhũng. 

Các phương tiện truyền thông của KTNN cần bám sát định hướng hoạt động của ngành, kịp thời công khai những kết quả kiểm toán nổi bật đang được dư luận xã hội quan tâm...tạo dư luận để ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; phát huy thế mạnh của loại hình Báo điện tử để truyền thông các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, đặc biệt là kết quả về phòng, chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán./.

D. Thúy

Xem thêm »