Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6: Tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực

05/07/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong 2 ngày 3, 4/7/2017, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2017. Phiên họp có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2017, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2017.

Tham gia họp trực tuyến cùng với lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành cả nước; các Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ. 

Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,73%
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh. “Như một con người đi khám bệnh, các chỉ số cơ bản của sức khỏe, từ huyết áp, mỡ máu, đường trong máu,… đều là chỉ số tốt. Trong báo cáo thời điểm hiện nay có sự chuyển biến rất đáng mừng. Chính phủ nhiệm kỳ mới đã vượt qua 1,5 năm, 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều tín hiệu vui hơn so với 6 tháng cùng kỳ năm 2016 với nhiều sự cố hết sức nặng nề” – Thủ tướng nêu rõ.  

Thủ tướng nêu một số chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt kết quả tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát thấp với tháng 6 chỉ tăng 0,2% so với tháng 12/2016; tăng trưởng phục hồi mạnh và được cho là ngoạn mục với quý II tăng 6,17%, đưa tăng trưởng nửa đầu năm tăng 5,73%. Con số này cao hơn mức 5,52% cùng kỳ năm ngoái (cả năm 2016 đạt 6,21%), muốn năm 2017 đạt được tăng trưởng 6,7%, 6 tháng cuối năm phải đạt được tăng trưởng 7,4%.

Trong đó, các ngành nông nghiệp và dịch vụ phục hồi mạnh, khách du lịch quốc tế tăng trên 30%. Việt Nam là 1 trong 12 nước dẫn đầu thế giới về tăng trưởng du lịch, đứng thứ 6. Tín dụng tăng 8%, cao nhất cùng kỳ trong 6 năm; chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm kể từ tháng 3/2008. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do Nikkei công bố trong tháng 6 đạt 52,6 điểm, chứng tỏ sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển.

Trong khi đó, xuất khẩu tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Tính chung thì kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đạt gần 200 tỷ USD. Thu ngân sách tăng mạnh với nhiều giải pháp đảm bảo nguồn thu. Vốn FDI tăng mạnh với tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần trên 19 tỉ USD, tăng 54,8%; vốn thực hiện đạt 7,7 tỷ USD. Nửa đầu năm có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng vốn gần 600.000 tỷ đồng.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, không những đạt kết quả tích cực về kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt kết quả khả quan. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công, giảm nghèo bền vững, bảo hiểm y tế được đẩy mạnh. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tốt, tăng cường quan hệ với các nước lớn, ký kết thương mại và đầu tư thàng chục tỷ USD, mở ra chương mới về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao nhiều địa phương xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả tốt.

Tại phiên họp, các đại biểu, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận những nội dung lớn như: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017, các báo cáo về kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng; công tác cải cách hành chính; tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Trong thảo luận, các đại biểu, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương nhất trí cho rằng tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2017; lạm pháp được kiểm soát, giá cả có xu hướng ổn định; các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về tăng trưởng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội ngày càng phát huy hiệu quả;…

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, nổi lên là giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp; tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn cùng kỳ; hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn, chi phí sản xuất cao; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bất cập trong khám chữa bệnh, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bạo lực học đường…


6 tháng cuối năm 2017 phải đạt tăng trưởng trên 7,4%

Thủ tướng chỉ rõ, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề, để cả năm đạt mức tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng trên 7,4% - con số rất cao, rất khó khăn, thách thức. Thủ tướng nhấn mạnh “Đây là mục tiêu cao, nhưng chúng ta có cơ sở, căn cứ để đạt được, bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu có thể nói đang phục hồi mạnh. Dư địa cho tăng trưởng còn nhiều. Xu hướng quốc tế, trong nước đều thuận lợi” và vấn đề đặt ra theo Thủ tướng là “phải quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt và cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn”.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung đề xuất giải pháp cụ thể; bàn và đưa ra các giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ lúa, nông sản; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa DNNN và thoái vốn; cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính...

Về triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII của Đảng, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương xây dựng và trình ban hành các Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; về phát triển kinh tế tư nhân; giao Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương xây dựng và trình ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. 

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình ban hành và triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu 2016-2020. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, giải quyết những vấn đề bất cập, không thống nhất về pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm soát sở hữu chéo, ngăn ngừa thao túng, doanh nghiệp "sân sau” trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến lạm phát, kết quả xử lý nợ xấu và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành tài chính, NSNN; chống thất thu thuế, chuyển giá; đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai dự toán thu, chi NSNN 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2020. Chủ trì nghiên cứu, rà soát các loại phí, lệ phí, nhất là chi phí vận tải, đề xuất các giải pháp giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ và tốt hơn nữa các thủ tục hành chính về thuế và hải quan.

Các Bộ, ngành, địa phương đề ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, xây dựng, nhất là giải phóng mặt bằng, kể cả dự án ODA và các dự án khác. Có phương án sớm triển khai phân bổ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017; xây dựng các giải pháp huy động, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư tư nhân, vốn ODA và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tích cực cơ cấu lại DNNN, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế. Đẩy nhanh cổ phần hóa các DNNN và thoái vốn Nhà nước, bảo đảm minh bạch, theo thị trường. Tập trung xử lý dứt điểm các Tập đoàn, Tổng công ty, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thất thoát lớn, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn thuộc ngành công thương và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh, đặc biệt trong giải ngân, đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án. Phát triển mạnh thị trường chứng khoán, đưa nhanh thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, có chất lượng cao theo tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt với phương pháp, cách làm cụ thể, sát thực tiễn - không ngồi nhà chờ báo cáo.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nhiêm các vi phạm, kiên quyết không để lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, quan liêu, tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống chính quyền và công tác chỉ đạo điều hành.

Về công tác xây dựng thể chế, sáng ngày 4/7/2017, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về: Dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; báo cáo về danh mục các luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh và quy hoạch; báo cáo về việc quản lý, sử dụng số thu phí được để lại quy định tại dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, dự thảo nghị định, báo cáo, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị định, báo cáo, bảo đảm chất lượng, tiến độ và trình Chính phủ theo qui định./.

Phương Vân

Xem thêm »