Quy trình kiểm toán hoạt động của Kiểm toán nhà nước

26/06/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ký Quyết định số 07/2017/QĐ-KTNN ngày 20/6/2017 về việc ban hành Quy trình kiểm toán hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Quy trình gồm 05 Chương và 17 Điều áp dụng cho các Cuộc kiểm toán hoạt động do KTNN thực hiện và được thực hiện theo bốn bước: Chuẩn bị kiểm toán; Thực hiện kiểm toán; Lập và gửi báo cáo kiểm toán; Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Theo Quyết định, Quy trình kiểm toán này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc KTNN, các Đoàn kiểm toán của KTNN và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động; Các đơn vị trực thuộc KTNN không phải là KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động; Thành viên Đoàn kiểm toán không phải là Kiểm toán viên nhà nước, khi tham gia Đoàn Kiểm toán nhà nước phải áp dụng Quy trình này như đối với Kiểm toán viên nhà nước.
 
Mục đích của việc ban hành Quy trình này nhằm bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN, Đoàn Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và thành viên Đoàn kiểm toán không phải là Kiểm toán viên nhà nước đối với cuộc kiểm toán hoạt động; Tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ nghề nghiệp để tổ chức các công việc trong một cuộc kiểm toán hoạt động, các hoạt động của Đoàn kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước, đồng thời, là cơ sở để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các cuộc kiểm toán hoạt động và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước; Làm căn cứ để xây dựng Sổ tay hướng dẫn kiểm toán hoạt động và hướng dẫn kiểm toán hoạt động cụ thể đối với từng lĩnh vực kiểm toán của KTNN; Tạo cơ sở cho việc xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về kiểm toán hoạt động cho các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
 
Về các yêu cầu đối với Đoàn kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán, Quy trình nêu rõ: Tuân thủ Luật KTNN, Hệ thống CMKTNN, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN và các văn bản pháp luật có liên quan; Tuân thủ Kế hoạch kiểm toán (KHKT) tổng quát đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt, mọi điều chỉnh phát sinh so với KHKT tổng quát phải được thực hiện theo đúng quy định của KTNN; Tổ chức tiến hành các công việc kiểm toán theo đúng trình tự, thủ tục đã quy định trong Quy trình kiểm toán hoạt động; Trưởng đoàn có trách nhiệm hướng dẫn các thành viên của Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán theo quy trình kiểm toán hoạt động, thường xuyên giám sát, kiểm tra công việc của các thành viên để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và quyết định công việc cho bước tiếp theo.
 
Cũng theo Quyết định, các nội dung cần thiết cho việc Chuẩn bị kiểm toán gồm: Khảo sát, thu thập thông tin về chủ đề kiểm toán; Đánh giá điều kiện đảm bảo tiến hành cuộc kiểm toán; Lập Kế hoạch kiểm toán tổng quát; Lập Chương trình kiểm toán; Sử dụng chuyên gia; Tham khảo ý kiến tư vấn
 
Về Thực hiện kiểm toán, Quy trình yêu cầu thu thập thông tin để hoàn thiện hoặc sửa đổi KHKT chi tiết, thực hiện theo Quy trình kiểm toán của KTNN; Thu thập và phân tích bằng chứng kiểm toán; Trao đổi thông tin với đơn vị được kiểm toán. 
 
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, việc trao đổi, thảo luận với đơn vị được kiểm toán giúp Đoàn kiểm toán thu thập và củng cố được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, cung cấp cơ sở đưa ra các phát hiện và kết luận phù hợp với thực tế của đơn vị được kiểm toán. Do vậy, các cuộc họp và thảo luận thường xuyên với đơn vị kiểm toán là một phần quan trọng của cuộc kiểm toán. Việc trao đổi thông tin cần cởi mở, thẳng thắn, trong phạm vi bảo mật cho phép, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết về vai trò, trách nhiệm của mỗi bên nhưng không làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của KTNN và phải tuân thủ quy định của pháp luật. Kiểm toán viên nhà nước cần xây dựng mối quan hệ hợp tác, cởi mở và tin tưởng với đơn vị được kiểm toán ngay từ lần đầu làm việc với đơn vị. Nguyên tắc, nội dung, thông tin trao đổi cần phù hợp với Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán và theo sự phân công của Trưởng đoàn, Tổ trưởng. Quá trình trao đổi thông tin cũng như ghi nhận các ý kiến phản hồi cần được thể hiện bằng các tài liệu phù hợp theo quy định.
 
Khi lập và gửi báo cáo kiểm toán cần Tổng hợp kết quả kiểm toán và Lập dự thảo báo cáo kiểm toán. Đoàn kiểm toán cần tập hợp, phân tích các phát hiện kiểm toán để hình thành khung báo cáo kiểm toán: Phân tích, tổng hợp thực trạng kiểm toán để chỉ ra phát hiện kiểm toán và xác định nguyên nhân, tác động của các phát hiện này; Kiến nghị kiểm toán; Trao đổi với đơn vị được kiểm toán và tham vấn chuyên gia trong trường hợp cần thiết.
 
Trên cơ sở kết quả tổng hợp kết quả kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán chủ trì lập dự thảo báo cáo kiểm toán; trình tự, thủ tục lập dự thảo báo cáo kiểm toán hoạt động được thực hiện theo Quy trình kiểm toán của KTNN và các quy định khác có liên quan. Nội dung và kết cấu Báo cáo kiểm toán phải đảm bảo các yêu cầu theo hướng dẫn tại CMKTNN số 300 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động, CMKTNN 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động.
 
Việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cần thực hiện theo quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước, Quy trình kiểm toán của KTNN, Quy trình theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN và các quy định khác có liên quan.
 
Trường hợp trong quá trình theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN có khiếu nại của đơn vị được kiểm toán thì thực hiện theo quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán do KTNN ban hành./.
 
Thanh Trang



Xem thêm »