Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015

13/06/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 12/6/2017, tại Hà Nội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015.

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu đánh giá, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 do Chính phủ trình về cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn; đồng thời đánh giá cao, thống nhất với kết quả kiểm toán NSNN năm 2015 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng như nhiều vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. 
 
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu cho rằng, về cơ bản, các Bộ, ngành, đơn vị và các cấp ngân sách đã thực hiện tốt công tác kế toán, khóa sổ, lập báo báo quyết toán, thẩm định, phê duyệt quyết toán theo quy định của Luật NSNN; công tác thực hiện quyết toán NSNN năm 2015 đã tuân thủ quy trình, thủ tục theo luật định; công tác chống thất thu, thu nợ đọng thuế đã được tổ chức triển khai quyết liệt; công tác kiểm tra, thanh tra thuế đã được tăng cường. 
 
Tuy nhiên, qua quyết toán cho thấy, mặc dù quản lý NSNN đã có nhiều tiến bộ, song việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán NSNN vẫn còn nhiều tồn tại yếu kém xảy ra ở nhiều bộ, ngành và địa phương. Việc xử lý các vi phạm có nơi còn chưa đúng quy định, tính răn đe chưa đủ mạnh…
 
Thảo luận về quyết toán NSNN năm 2015, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Toản (Hưng Yên) nêu rõ, quyết toán chi cân đối NSNN năm 2015 là 1.502.189 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.265.625 tỷ đồng, tăng 7,5% so dự toán, đây là chỉ tiêu không tích cực bởi nguyên nhân xuất phát từ việc chi sai, chi vượt, chi không đúng mục đích vẫn còn nhiều, sai phạm thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn diễn ra… KTNN đã kiến nghị giảm chi 16.174 tỷ đồng, riêng kiểm toán 1.228 dự án đã kiến nghị giảm trừ 12.399 tỷ đồng. Mặt khác, NSNN còn nợ nhiều chính sách, chế độ do không có nguồn lực bảo đảm. “Ðề nghị Chính phủ sớm có lộ trình để thanh toán các khoản nợ của NSNN, kiên quyết hơn trong việc không ban hành chính sách, chế độ khi không có nguồn lực bảo đảm thực hiện, cắt giảm đầu tư vào các dự án kém hiệu quả, dở dang chuyển tiếp, kéo dài để tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng yếu” – Đại biểu Phạm Đình Toản kiến nghị.
 
Cũng theo đại biểu Phạm Đình Toản, quyết toán thu NSNN còn cho thấy tình trạng các khoản nợ thuế, chậm nộp thuế. Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Trong báo cáo chưa chỉ rõ kết quả tăng thu qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế và kiểm toán thu thuế. Tuy nhiên, KTNN thông qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu 11.365 tỷ. Đại biểu cho rằng, nếu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống nợ đọng thuế thì số thực thu NSNN còn cao hơn.
 
 Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên)
 
Theo đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá), việc khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế dẫn đến quản lý thu thuế, một nguồn thu chủ yếu có tính ổn định cao còn nhiều hạn chế. Đó là nợ đọng thuế do ngành thuế quản lý còn chiếm tới hơn 10%. Có yếu tố tiêu cực trong lĩnh vực thu thuế không? KTNN đã chỉ ra và ngành thuế hiểu rõ nội dung này, đại biểu đề nghị, cần làm rõ vấn đề này trong báo cáo.
 
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, vẫn còn các khoản chi sai chế độ, sai nguồn kinh phí, đặc biệt là lập phân bổ, giao dự toán và quyết toán vốn ODA bất cập, kéo dài, yếu kém, Quốc hội đã có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được khắc phục. Đại biểu đề nghị Chính phủ tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm. 
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) và một số đại biểu có ý kiến về phương pháp thu ngân sách, đặc biệt thu thuế chưa sát và còn bỏ lọt các khoản thu. Trong bối cảnh bội chi NSNN thì nguồn thu lại chưa chặt chẽ, nhất là nguồn thu từ việc bán hàng qua mạng, cách thức tính thuế chưa đầy đủ, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế sở hữu tài sản, quản lý tài sản còn nhiều quy định lỏng lẻo, dẫn đến thất thu thuế. Thị trường bán lẻ hàng hóa chưa có biện pháp để quản lý tốt doanh thu, từ đó cách thức tính thuế không sát, bán hàng không hóa đơn, chứng từ mua bán. Tại thị trường này, một số khoản thu nhập từ các doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự công khai và minh bạch trong dự toán, trong thu, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN…
 
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc các đại biểu Quốc hội phản ánh là rất đúng nhưng cần có sự phối hợp, chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành thực hiện, phải triển khai hiệu quả thì NSNN mới từng bước đưa về tình hình lành mạnh hơn hiện nay.
 
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015./.
 
M. Thúy

Xem thêm »