Những điểm mới của Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán

11/04/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoann.gov.vn) - Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) không ngừng quan tâm chú trọng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán để đảm bảo và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Dấu mốc quan trọng là Tổng KTNN đã ban hành Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán kèm theo Quyết định số 395/QĐ-KTNN ngày 12/3/2014.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, do yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán còn nhiều bất cập như: (1) chưa phân định rõ nhiệm vụ cụ thể, cách thức kiểm soát, phạm vi kiểm soát của từng chủ thể kiểm soát nhất là hai bộ phận giúp việc cho Tổng KTNN và Kiểm toán trưởng (kiểm soát của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Tổ Kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN chuyên ngành, khu vực); (2) chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán có lúc, có nơi còn chưa cao; thiếu nhân lực có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm kiểm soát; (3) các bộ phận kiểm soát chưa được cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu để thực hiện kiểm soát... Vì vậy, ngày 22/3/2016, Tổng KTNN đã ban hành Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán kèm theo Quyết định số 558/QĐ-KTNN để tăng cường hơn nữa chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán. Với 7 Chương và 91 Điều, Quy chế này tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán phân định hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN, gồm: Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổng KTNN, kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng (kiểm soát từ bên ngoài với Đoàn KTNN) và kiểm soát chất lượng kiểm toán Đoàn KTNN (kiểm soát nội bộ Đoàn KTNN) cho phù hợp với cả lý luận và thực tiễn. Trong đó, hoạt động kiểm toán của Đoàn KTNN đóng vai trò trung tâm của hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán, từ hoạt động chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, Kiểm toán trưởng đối với hoạt động kiểm toán của Đoàn KTNN đến hoạt động kiểm toán của Trưởng Đoàn KTNN, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và kiểm toán viên.

Thứ hai, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán quy định mục đích, phạm vi, nội dung, cách thức, trách nhiệm, quyền hạn, trình tự thủ tục, hồ sơ tài liệu để kiểm soát chất lượng theo 5 chủ thể kiểm soát và 2 bộ phận kiểm soát chất lượng kiểm toán chuyên trách, gồm: Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổng KTNN (thông qua các cá nhân và tổ chức giúp việc của Tổng KTNN), kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng (trực tiếp kiểm soát hoặc thông qua các cá nhân và tổ chức giúp việc); kiểm soát chất lượng kiểm toán của Trưởng Đoàn KTNN, Tổ trưởng tổ kiểm toán và của KTV; kiểm soát chất lượng kiểm toán của Vụ chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN chuyên ngành, khu vực. Đồng thời, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán không quy định nhiệm vụ cụ thể của Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán mà chỉ quy định các tổ chức, cá nhân này thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo Luật KTNN và các quy định khác của KTNN để đảm bảo chất lượng kiểm toán và chất lượng báo cáo kiểm toán để tránh chồng chéo các văn bản quản lý.

Thứ ba, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán quy định trách nhiệm tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán của các cấp, các chủ thể kiểm soát để đảm bảo việc kiểm soát toàn diện, chi tiết từ khảo sát thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán đến lập và gửi báo cáo kiểm toán; đồng thời, duy trì sự hiện diện thường xuyên của các cấp kiểm soát chất lượng kiểm toán trong hoạt động kiểm toán.

Thứ tư, hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm soát của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán với kiểm soát của Kiểm toán trưởng, Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN chuyên ngành, khu vực. Theo đó, Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ yếu giám sát hoạt động kiểm toán của các Đoàn KTNN (không trực tiếp làm việc với Đoàn, Tổ kiểm toán, không trực tiếp soát xét bằng chứng kiểm toán do đơn vị kiểm toán lập và hồ sơ, tài liệu của đơn vị được kiểm toán), quá trình giám sát nếu cần thiết đề xuất với Tổng KTNN thực hiện kiểm soát đột xuất; đồng thời lựa chọn một số Đoàn KTNN, một số hồ sơ của cuộc kiểm toán sau khi phát hành báo cáo kiểm toán để kiểm soát; lựa chọn một số KTNN chuyên ngành, khu vực để kiểm soát việc tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng (qui mô, mức độ các loại hình kiểm soát do Tổng KTNN quyết định hàng năm). Trường hợp quá trình thực hiện các hình thức kiểm soát trên, nếu phát hiện có sự vi phạm nghiêm trọng pháp làm ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc kiểm toán và uy tín của KTNN, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán xin ý kiến Tổng KTNN chuyển kết quả kiểm soát cho Thanh tra KTNN làm rõ và xử lý theo quy định.

Các KTNN chuyên ngành, khu vực chịu trách nhiệm kiểm soát toàn diện các Đoàn KTNN do đơn vị mình thực hiện từ chuẩn bị kiểm toán đến thực hiện kiểm toán, lập và gửi báo cáo kiểm toán; chịu trách nhiệm soát xét bằng chứng kiểm toán cho các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Việc kiểm soát được thực hiện bằng hai hình thức kiểm soát là kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp đối với Đoàn KTNN và kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất, trong đó kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp là chủ yếu. Quá trình kiểm soát trực tiếp, khi phát hiện các dấu hiệu sai phạm, sai sót cần phải ngăn ngừa hoặc xử lý ngay trong quá trình kiểm toán, sẽ thực hiện hình thức kiểm soát đột xuất theo quyết định của Kiểm toán trưởng.

Thứ năm, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán quy định thống nhất về hồ sơ kiểm soát chất lượng kiểm toán; quy định mẫu biểu một số tài liệu chủ yếu trong hồ sơ kiểm soát chất lượng kiểm toán để áp dụng thống nhất trong toàn ngành (Quyết định, Kế hoạch kiểm soát, Báo cáo kiểm soát, Biên bản kiểm soát,…) theo từng hình thức kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Thứ sáu, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán quy định tiêu chuẩn Tổ trưởng và thành viên tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán để đảm bảo chất lượng việc kiểm soát chất lượng kiểm toán./.

Hoàng Liên - Vụ CĐ và KSCLKT

Xem thêm »