Báo chí đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước

22/06/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư chia sẻ với Báo Kiểm toán về vai trò, thách thức của báo chí Việt Nam trong thời kỳ mới.


Nhìn lại chặng đường 90 năm hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, xin ông cho biết ý kiến đánh giá về một số thành tựu mà báo chí cách mạng đã đạt được cũng như những hạn chế, thách thức cần tháo gỡ?

- Những năm qua, báo chí nước ta có những bước phát triển và đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc. Trên nhiều bình diện tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; giám sát và phản biện xã hội… cơ quan báo chí cơ bản đã làm rất tốt. Đảng, Nhà nước cũng rất chú trọng chăm lo phát triển hoạt động báo chí và coi đó là kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Số lượng, chất lượng các cơ quan báo chí không ngừng tăng lên, các loại hình báo chí cũng đa dạng hơn...  

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan báo chí hoạt động có hiệu quả, chất lượng, tạo được dấu ấn tốt thì vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa thực sự bám sát tôn chỉ, mục đích. Thậm chí, nhiều tờ báo có các ấn phẩm hoạt động chạy theo thị trường, chộp giật, ảnh hưởng đến uy tín của nghề báo và người làm báo cả nước. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, vai trò của báo chí càng được đề cao. Nhưng, vai trò cũng đi đôi với trách nhiệm, khi trong “thế giới phẳng” về thông tin như hiện nay kéo theo những mặt trái, ảnh hưởng đến nền báo chí cách mạng. Vấn đề đặt ra là làm sao để giữ được trách nhiệm xã hội, lập trường, bản lĩnh của người làm báo.

Một trong những chức năng quan trọng của báo chí là giám sát và phản biện xã hội. Chức năng này được thể hiện ra sao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, thưa ông?

- Vai trò giám sát, phản biện của báo chí là rất quan trọng và đã được Đảng, Nhà nước ta ghi nhận. Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí là hết sức cần thiết, đặc biệt là giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tính phản biện của báo chí đã có nhiều tác động tích cực đối với hoạt động quản lý ngành cũng như những hoạt động điều hành, ổn định tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Đơn cử như vừa qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành quy định thiếu tính thực tiễn (như: quy định không được bán thịt gia súc, gia cầm quá 8 tiếng đồng hồ kể từ sau khi giết mổ, quy định cấm bán bia trên vỉa hè…) khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, báo chí phản biện, nhiều Bộ, ngành phải điều chỉnh bằng cách thu hồi hoặc chỉnh sửa văn bản.

Đi đôi với giám sát, phản biện, báo chí cũng phát hiện ra nhiều vụ việc sai phạm, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước. Qua đó khẳng định, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Tuy nhiên, quá trình phản biện của các cơ quan báo chí cũng đang gặp nhiều khó khăn, trước hết là yêu cầu về năng lực của nhà báo tham gia phản biện chính sách chưa được đáp ứng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ... Điều này dẫn đến tình trạng giám sát, phản biện còn chưa sâu, hoặc thiếu cái nhìn tổng thể, chỉ nắm bắt và phản ánh đơn giản.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là trong lĩnh vực giá xăng, dầu, điện; định giá, đấu giá tài sản DNNN khi cổ phần hóa; giá bồi thường khi thu hồi đất... gây khó khăn cho báo chí khi tiếp cận nguồn thông tin để thực hiện giám sát, phản biện xã hội.

Cơ chế thị trường kèm theo những mặt trái cũng tác động không nhỏ tới nghề báo và người làm báo. Những thách thức và yêu cầu đặt ra với người cầm bút trong bối cảnh hiện nay là gì, thưa ông?

- Nghề báo có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội. Giống như các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế..., báo chí cũng chịu tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động xấu tới lĩnh vực báo chí là một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo. Đây đang là thách thức to lớn đặt ra đối với đội ngũ người làm báo trong tình hình mới.

Như trên đã nói, bên cạnh những kết quả đóng góp tích cực, một số cơ quan báo chí còn thiếu nhạy bén, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa; chức năng tham gia giám sát, phản biện xã hội; có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Mặt khác, một số tờ báo có dấu hiệu bị “thương mại hóa” khi cho ra đời những ấn phẩm phụ với nội dung giật gân, chạy theo thị hiếu tầm thường của số ít bạn đọc. Đặc biệt, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một số cơ quan báo chí vì lợi ích riêng, không giữ vững được lập trường đã chịu sự tác động của DN, tiếp tay cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Quá trình hội nhập sẽ kéo theo những phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới đe dọa sự ổn định của đất nước. Do đó, hơn bao giờ hết, các cơ quan báo chí, người làm báo cần phải nắm vững và thực hiện tốt những nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng Việt Nam và nêu cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Kiểm toán số 25/2015

Xem thêm »