Quốc hội thảo luận về Quyết toán NSNN năm 2013

29/05/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 28/5/2015, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Quyết toán NSNN 2013


Tại phiên thảo luận, đã có 8/8 đại biểu đăng ký phát biểu và Bộ trưởng Bộ tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Các đại biểu cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2013; báo cáo thẩm tra quyết toán ngân NSNN năm 2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội. Tuy nhiên, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những những hạn chế, tồn tại và đề xuất những kiến nghị cụ thể trong công tác quản lý điều hành ngân sách nói chung và trong công tác quyết toán ngân sách nói riêng, đặc biệt là cần có các giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng tăng bội chi ngân sách.

Về thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, các đại biểu đánh giá sự cao sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của ngành thuế, ngành hải quan trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng công tác quản lý thuế còn để tình trạng thất thu, nợ thuế nhiều ở khu vực kể cả việc chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và việc trốn thuế, gian lận thuế ở khu vực ngoài quốc doanh vẫn xảy ra phố biến, gây thất thu cho ngân sách. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu)  đề nghị, Chính phủ tăng cường chỉ đạo quyết liệt bộ, ngành, địa phương bảo đảm thu thuế đúng, đủ, kịp thời, vì hiện nay tình trạng nợ đọng thuế tương đối phổ biến, kéo dài. Riêng năm 2013, nợ của ngành thuế quản lý tăng trên 25%. 

Một số ý kiến cho rằng, cơ cấu nguồn thu trên cơ sở quyết toán ngân sách cũng chưa thật hợp lý, khoảng cách giữa dự toán thu và số thực thu còn khá lớn. Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo để có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác thu đã diễn ra từ nhiều năm nay. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, thu NSNN năm 2013 tăng 12.348 tỷ đồng, nhưng thực chất là hụt thu vì tăng thu chủ yếu từ giá dầu và tiền sử dụng đất. Giá dầu dự kiến 90 USD, bán 113 USD. Nếu không có số này thì chúng ta hụt thu. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) thì cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách để có thể tăng thu sản xuất kinh doanh trong nước.

Về hoạt động chi NSNN, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận định, chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ là những khoản chi quan trọng thì lại không đạt dự toán, trong khi chi đầu tư phát triển thì vượt dự toán 55,2%, điều này làm hạn chế tính chủ động trong quản lý điều hành ngân sách và làm ảnh hưởng đến giá trị của dự toán Quốc hội đã quyết định. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì cho rằng, hiện tượng sử dụng sai kinh phí, sai đối tượng mục đích, phân bổ vốn không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt tình trạng điều chỉnh phân bổ sử dụng kế hoạch vốn trong năm không thông qua Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là không chấp hành đúng chủ trương của Đảng và pháp luật nhà nước, không coi trọng cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Một vấn đề khác của chi NSNN được đại biểu nên ra là tốc độ chi thường xuyên thường cao hơn tốc độ chi đầu tư, hay tình trạng các chương trình mục tiêu quốc gia có tiền rồi thì chi không được do việc giao vốn quá chậm nên triển khai không kịp thời giải ngân. 

Về vấn đề bội chi, nhiều đại biểu đề nghị cần phải có giải pháp mạnh mẽ để đảm bảo tính nghiêm minh, tính kỷ cương của ngân sách, khắc phục tình trạng bội chi ngân sách tăng quá cao so với mức cho phép và tránh lặp lại ở những năm sau.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) kiến nghị, trước khi biểu quyết thông qua quyết toán NSNN năm 2013, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về bội chi để Quốc hội có thêm cơ sở quyết định; đồng thời, tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính, công khai minh bạch hơn nữa về quản lý NSNN; có chế tài cho những trường hợp chưa thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị, khi đã đến ngưỡng, Chính phủ, Quốc hội cần phải áp dụng một chính sách quyết liệt để chấm dứt tình trạng bội chi ngân sách.  Đại biểu Lê Nam cũng cho rằng, dự toán đã được công bố thì kiên quyết không tăng thêm ngân sách cho bất kỳ ngành, địa phương nào, trừ trường hợp đặc biệt do chiến tranh hoặc bão lũ bất khả kháng.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng khi chúng ta tăng thu ngân sách thì tăng chi, theo kiểu "nước lên thuyền lên" thì không còn là kỷ cương ngân sách.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội về những hạn chế tồn tại, yếu kém trong quản lý NSNN thể hiện qua Báo cáo quyết toán năm 2013 là chính xác. “Cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, thực hiện đúng kỷ cương, kỷ luật tài chính và hạn chế lập lại những thiếu sót này trong báo cáo quyết toán những năm về sau”, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cùng với báo cáo Quyết toán NSNN năm 2013, báo cáo của Kiểm toán nhà nước về quyết toán NSNN năm 2013 dài 135 trang, trong đó có nhiều phụ lục cụ thể kèm theo đã được gửi để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.  Như vậy, báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 đã được lập theo đúng quy định của Luật NSNN, đã được đối chiếu, xác nhận số liệu thu - chi khớp, đúng với Kho bạc nhà nước và đã được Kiểm toán nhà nước xem xét tiến hành kiểm toán đúng thủ tục, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận./.

Ngọc Bích








Xem thêm »