Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán Nhà nước”

20/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán Nhà nước” do PGS. TS. Đinh Trọng Hanh làm chủ nhiệm. GS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Tham dự, còn có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và thành viên của Ban chủ nhiệm đề tài.


Theo nhận định của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, Kế hoạch kiểm toán trung hạn (KHKTTH) có vai trò quan trọng trong quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển KTNN. Tuy nhiên, qua 20 năm hoạt động, KTNN mới tổ chức xây dựng và ban hành kiểm toán trung hạn 2013-2015, song công tác này còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục một cách toàn diện. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn của KTNN” có ý nghĩa cao trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và đề xuất các giải pháp tổ chức xây dựng KHKTTH của KTNN.
 
Về kết quả nghiên cứu, đề tài đã có những đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận, đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng KHKTTH của KTNN, bao gồm: Nội dung cơ bản; vai trò của KHKTTH; tổ chức xây dựng KHKTTH; và các nhân tố ảnh hưởng đến xây dựng KHKTTH. Về mặt thực tiễn, đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng công tác lập KHKTTH của KTNN theo 5 nội dung, qua đó, đề tài đã chỉ ra những kết quả đạt được cũng như những hạn và nguyên nhân của những hạn chế trong việc lập KHKTTH của KTNN. Để làm rõ hơn những nội dung xoay quanh vấn đề nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài cũng mở rộng nghiên cứu kinh nghiệm về xây dựng KHKTTH của KTNN Úc và Vương quốc Anh và trên cơ sở đó đã rút ra được 03 bài học kinh nghiệm quý báu cho KTNN Việt Nam: nhận thức; khung thời gian; mô hình xây dựng và nội dung cơ bản của kế hoạch.
 
Qua nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài cũng đề xuất 04 giải pháp và lộ trình thực hiện việc xây dựng và quản lý KHKTTH của KTNN. Cụ thể: Hoàn thiện cơ chế xây dựng và quản lý KHKT; Hoàn thiện tổ chức bộ máy-nhân sự xây dựng và quản lý KHKT; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng KHKT dài hạn và nâng cao chất lượng KHKT năm. Những giải pháp đề xuất được phân tích cụ thể, có cơ sở, đồng bộ, phù hợp với thực tế, vì vậy có tính khả thi cao.
 
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng cũng trao đổi thêm một số vấn đề về thể thức, lý luận và thực tiễn của đề tài để Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện đề tài.
 
Phát biểu kết luận tại buổi nghiệm thu, GS.TS Đoàn Xuân Tiên cho rằng: Đề tài đã đạt yêu cầu về mặt lý luận và thực tiễn, phù hợp với hoạt động thực tiễn của ngành KTNN. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể áp dụng trong quá trình xây dựng KHKTTH của KTNN. GS.TS Đoàn Xuân Tiên cũng đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài cần hệ thống hóa và phân tích rõ hơn một số kinh nghiệm, mô hình của một số nước trong việc xây dựng KHKTTH. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm cần tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng để hoàn thiện đề tài.
 
Sau khi bảo vệ thành công tại Hội đồng, đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại xuất sắc./.
 

P. Vân

Xem thêm »