Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiếp tục trao đổi với Kiểm toán Nhà nước về dự thảo Luật KTNN (sửa đổi)

17/12/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) – Sáng 16/12/2014, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) tại Phiên họp mở rộng.


Tham dự Phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn và đại diện một số cơ quan chức năng thuộc Quốc hội, Chính phủ.

Theo ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) lần này đã được Cơ quan soạn thảo phối hợp với Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn thiện thêm một bước trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường trong Kỳ họp thứ 8 vừa qua. Theo đó, nhiều quy định đã được chỉnh lý hoặc bổ sung nhằm đảm bảo tính đầy đủ, chặt chẽ hơn, tạo thuận lợi trong quá trình thực thi. Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn các nội dung đã được thống nhất tiếp thu thì một số nội dung vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi. Đáng chú ý là quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, thời hạn cuộc kiểm toán và nhiệm kỳ của Tổng KTNN.

Về những nội dung thống nhất tiếp thu, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách và Cơ quan soạn thảo nhận thấy các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích kiểm toán, giải thích từ ngữ và đối tượng kiểm toán đã bảo đảm đúng và đầy đủ, do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật. Ngoài ra, các đại biểu cũng thống nhất giữ nguyên như dự thảo Luật đối với các quy định về nhiệm vụ của KTNN, tiêu chuẩn kiểm toán viên nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động KTNN; việc kiểm tra, giám sát hoạt động của KTNN.

Trong khuôn khổ của cuộc họp, các đại biểu tiếp tục thảo luận về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: thẩm quyền ban hành chuẩn mực kiểm toán; giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; thời hạn của cuộc kiểm toán và nhiệm kỳ của Tổng KTNN.

Về chuẩn mực kiểm toán, vẫn còn 2 loại ý kiến tranh luận xung quang thẩm quyền ban hành thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội hay Tổng KTNN.

Đối với quy định về giá trị của báo cáo kiểm toán, đa số các đại biểu đồng tình với việc cần nâng cao giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán nhằm đảm bảo cho các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. KTNN đề nghị kết luận kiểm toán có giá trị pháp lý là bắt buộc thực hiện, kiến nghị kiểm toán có giá trị tư vấn. Một số đại biểu cũng phân tích nên phân loại đối tượng sử dụng báo cáo kiểm toán để xác định giá trị pháp lý là bắt buộc hay khuyến nghị thực hiện.

Về nhiệm kỳ Tổng KTNN, một số ý kiến đề nghị nhiệm kỳ Tổng KTNN là 5 năm phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội; một số ý kiến đề nghị nhiệm kỳ của Tổng KTNN nên giữ nguyên như Luật hiện hành là 7 năm để bảo đảm tính ổn định, độc lập, lâu dài, phù hợp với thông lệ nhiều nước trên thế giới.

Đối với quy định về thời hạn kiểm toán, nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định cụ thể về thời hạn tối đa của cuộc kiểm toán. Một số ý kiến đề xuất quy định về thời hạn kiểm toán phân theo quy mô, cấp độ của cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và một số đại biểu đề nghị không quy định về thời hạn tối đa của cuộc kiểm toán. Do đó, các đại biểu thống nhất cho rằng, quy định này cũng cần thiết kế theo 2 phương án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.

Xung quanh đối tượng kiểm toán của KTNN, các đại biểu tiếp tục dành sự quan tâm đến 02 đối tượng là doanh nghiệp có vốn nhà nước và thuế. Với đối tượng kiểm toán là doanh nghiệp có vốn nhà nước, đại biểu có 02 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, ở đâu có tiền và tài sản nhà nước là phải kiểm toán, trong đó kiểm toán các đơn vị có vốn nhà nước từ 50% trở xuống. Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ tập trung kiểm toán doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách và Cơ quan soạn thảo thống nhất cho rằng, cần tập trung kiểm toán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối; đồng thời, đối với phần vốn nhà nước tại những doanh nghiệp mà có phần vốn nhà nước nắm giữ 50% vốn trở xuống, chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, khoản 10 điều này được sửa lại như sau “Doanh nghiệp có phần vốn và tài sản nhà nước giữ trên 50%; riêng đối với doanh nghiệp có phần vốn và tài sản nhà nước từ 50% trở xuống thì chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng phần vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.”

Với kiểm toán thuế, đại biểu có 02 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị kiểm toán toàn bộ các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế. Loại ý kiến thứ hai đề nghị, chỉ kiểm toán các cơ quan quản lý thuế, trường hợp xét thấy cần thiết, Tổng KTNN quyết định đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế của đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Cơ quan soạn thảo thống nhất chỉ quy định kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách tại cơ quan thuế để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN, chống trốn lậu thuế. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Tổng KTNN quyết định đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế của đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế liên quan. Theo đó, khoản 13 điều này được sửa lại như sau: “Các cơ quan quản lý thuế; trong trường hợp xét thấy cần thiết, Tổng KTNN quyết định đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế của đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế.”

Kết thúc Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển khẳng định dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) lần này đã tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đại biểu quốc hội và cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Căn cứ kết quả cuộc họp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 33./.

Hà Linh

Xem thêm »