Tổng Kiểm toán Nhà nước làm việc với chuyên gia Ngân hàng Thế giới về Báo cáo phát triển Việt Nam đến năm 2035

13/12/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 11/12/2014, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do ông Philipp Krause, chuyên gia cao cấp của Ngân Hàng Thế giới dẫn đầu. Cùng tiếp Đoàn, về phía KTNN có Lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Vụ Hợp tác Quốc tế, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực I và Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II.


Ông Philipp Krause cho biết, buổi làm việc này với KTNN là một trong những hoạt động WB tiến hành nhằm chuẩn bị cho Báo cáo Phát triển Việt Nam đến năm 2035 mà WB đang giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng. “Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề liên quan tới tiến trình cải cách Ngân sách Nhà nước (NSNN) tại Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới cải cách hệ thống quản lý tài chính, tài sản công”, ông Philipp Krause phát biểu.
 
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, trong những năm qua nền kinh tế của Việt Nam qua đã có những bước tiến dài, đời sống nhân dân được cải thiện, Việt Nam đã bước vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình. “Thành công này có đóng góp không nhỏ từ kết quả cải cách hệ thống Ngân sách Nhà nước (NSNN) những năm qua” Tổng Kiểm toán Nhà nước nói. Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ, NSNN thời gian qua đã tập trung đầu từ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung mạnh cho phát triển nguồn nhân lực, cũng như hướng vào các mục tiêu an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
 
Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thừa nhận hệ thống NSNN của Việt Nam vẫn còn tồn tại hạn chế đến sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam như: Thu NSNN tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu tính bền vững; hiệu quả sử dụng NSNN chưa cao; Dự nợ công có xu hướng tăng…”. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào 3 lĩnh vực: Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tín dụng, ngân hàng.
 
Ông Philipp Krause cho rằng NSNN Việt Nam có vai trò then chốt trong sự phát triển đất nước. KTNN được xem là một trong những chủ thể tiên phong về vấn đề quản lý NSNN tại Việt Nam, nhất là trong việc thiết lập được một hệ thống giám sát và đánh giá đầu tư công vận hành hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. “Chúng tôi muốn trao đổi sâu hơn về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc xây dựng và thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” ông Philipp Krause nói.
 
Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ, qua 20 năm thành lập và phát triển, với chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đã góp phần thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản công của Chính phủ và các cơ quan nhà nước được rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn. Để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ ngày càng tốt hơn, KTNN đang tiến hành nhiều giải pháp để nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN. Trong hoạt động kiểm toán, KTNN đã tiến hành đồng thời 03 loại hình kiểm toán, trong đó thời gian đầu tập trung kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, đến nay, tỷ trọng loại hình kiểm toán hoạt động đang dần được nâng lên trong kế hoạch kiểm toán hàng năm.
 
 “Tuy nhiên, tôi cho rằng để công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công được đồng bộ, chuyên sâu, bên cạnh việc phát triển hệ thống của KTNN, Chính phủ nên hình thành hệ thống kiểm toán nội bộ một cách đồng bộ, không chỉ tại các doanh nghiệp mà cần ở cả các cơ quan nhà nước.” Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng tăng cường sự phối hợp giữa KTNN và các cơ quan kiểm toán độc lập kể cả trong hoạt động kiểm toán ngân sách, tài chính công cũng là một hướng đáng lưu ý nhằm tăng cường năng lực hệ thống kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

“Việc định hình ra tương lai của hệ thống tài chính công của Việt Nam trong thời gian tới là một việc không đơn giản vì có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng tới. Tuy nhiên, những trao đổi, thông tin của các bộ, ngành của Việt Nam nói chung và  những chia sẻ, đóng góp của Kiểm toán Nhà nước nói riêng là rất hữu ích, giúp chúng tôi có những tư vấn xác đáng trong quá trình hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Phát triển Việt Nam đến năm 2035” ông Philipp Krause phát biểu kết thúc buổi làm việc./.

Ngọc Bích

Xem thêm »