Kiểm toán Nhà nước tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương

17/11/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) – Tại Hội nghị cho ý kiến hoàn thiện khung đề cương kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2014 và một số cuộc kiểm toán chuyên đề năm 2015 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh: Vấn đề đổi mới toàn diện hoạt động kiểm toán là tất yếu, khách quan, cần thiết để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán. Tại hội nghị, các đại biểu đã dành sự quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp quý báu đối với khung đề cương kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2014.


Đổi mới hoạt động kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương
Ngân sách địa phương bao gồm ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Do vậy, kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quốc hội.

Trong thời gian gần đây, phạm vi, qui mô kiểm toán ngân sách địa phương ngày càng được mở rộng, hàng năm, KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách khoảng 30% đến 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, kết quả kiểm toán ngân sách địa phương đã đóng góp một phần quan trọng trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN nhiều tỷ đồng, giúp các địa phương được kiểm toán hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính, ngân sách; kiến nghị với các cơ quan chức năng của Nhà nước bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách. Bước đầu, kết quả kiểm toán đã là cơ sở cho Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách. Tuy nhiên so với yên cầu nhiệm vụ của KTNN hiện nay, công tác kiểm toán ngân sách địa phương đã bộc lộ một số hạn chế cần phải đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, vừa qua, Vụ Tổng hợp đã chủ trì xây dựng khung đề cương kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương với một số thay đổi cơ bản về cách thức tổ chức kiểm toán từ khâu khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, trình tự kiểm toán, tổ chức đoàn kiểm toán, thời gian kiểm toán, nội dung kiểm toán, đặc biệt là nội dung kiểm toán tổng hợp.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, việc thực hiện thành công kế hoạch kiểm toán 2015, trọng tâm là kiểm toán ngân sách địa phương năm 2014 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược nâng cao năng lực kiểm toán của KTNN, từng bước đáp ứng yêu của Quốc hội “Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản tiến hành kiểm toán thường xuyên hàng năm các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tăng quy mô mẫu kiểm toán về tổng thể và tại các đầu mối trên để đạt yêu cầu xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước theo quy định của Luật KTNN.

Đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp – nét mới trong hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2015, KTNN sẽ triển khai kiểm toán ngân sách gần hết các địa phương (xấp xỉ 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Theo đó, nét mới trong công tác kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 của KTNN là không lựa chọn các mục tiêu riêng của từng KTNN khu vực mà thống nhất mục tiêu chung của toàn ngành. Ngoài ra, không đi sâu kiểm toán tại các đơn vị dự toán như trước đây mà tập trung kiểm toán tại các cơ quan tổng hợp gồm Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước, Cục Thuế để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách của địa phương từ khâu lập, phân bổ ngân sách cho đến quyết toán ngân sách; tiến tới kiểm toán 63 tỉnh, thành độc lập để tổng hợp một bức tranh chung về tình hình kinh tế xã hội của quốc gia. Với định hướng như vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu khung đề cương kiểm toán ngân sách địa phương phải có sự kết hợp cả 03 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động), trong đó xây dựng được các mục tiêu cốt lõi căn cứ điều kiện thực tế hiện nay của KTNN về nhân sự và thời gian.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc tăng cường kiểm toán tổng hợp trong kiểm toán ngân sách địa phương là để phù hợp hơn với yêu cầu mở rộng quy mô kiểm toán và đánh giá một cách tổng thể tình hình quản lý, sử dụng ngân sách, từ đó cung cấp các thông tin hữu ích phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2014 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quốc hội.

Theo ông Đào Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, đơn vị chủ trì xây dựng khung đề cương kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2014, trên tinh thần đổi mới hoạt động của Ngành và đặc điểm quản lý, điều hành ngân sách địa phương trong năm 2014, KTNN xác định trọng tâm kiểm toán đối với kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương gồm:

Đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, NSNN năm 2014 làm căn cứ cho HĐND, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2014, trong đó tập trung kiểm toán để đánh giá công tác quản lý, điều hành thu ngân sách, chi sự nghiệp khuyến nông, khuyến công và chi đầu tư xây dựng.

Tập trung đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả việc triển khai thực hiện:

Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11/11/2013 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, trong đó tập trung kiểm toán công tác chống thất thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 8-10%; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết, quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn; ưu tiên đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp;

Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2014;

Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014;

Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện NSNN năm 2013-2014;

Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 25/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó, tập trung kiểm toán việc tổ chức thực hiện một số giải pháp thu NSNN như thu cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước do địa phương đại diện chủ sở hữu, miễn thuế GTGT, TNDN đối với một số loại hình kinh doanh…;

Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 18/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2013 - 2015;

Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014;

Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng công tác quản lý vốn đầu tư và các công trình đầu tư của địa phương trong năm 2014 và các thời kỳ trước, sau có liên quan, đặc biệt phải đánh giá được tính hiệu lực, hiệu quả đối với việc thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn NSNN và vốn Trái phiếu Chính phủ; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước và công tác giám sát đầu tư nhằm cung cấp thông tin để phục vụ tốt nhất hoạt động giám sát của Quốc hội, công tác quản lý điều hành của Chính phủ đối với nhiệm vụ tái cấu trúc đầu tư công.

Góp ý hoàn thiện khung đề cương kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2014, các đại biểu thống nhất tên gọi của khung đề cương là “kiểm toán ngân sách địa phương năm 2014” để thể hiện một cách bao quát, đầy đủ các mục tiêu kiểm toán: Xác nhận tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2014; Đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân yêu cầu khung đề cương kiểm toán ngân sách địa phương cần thể hiện rõ nội dung kiểm toán tổng hợp; đánh giá được việc lập, phân bổ, thực hiện dự toán ngân sách có liên quan như thế nào đến khả năng phát triển kinh tế xã hội của địa phương; mục tiêu kiểm toán phải bám sát các Nghị quyết của Trung ương và địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho rằng, cán bộ, kiểm toán viên KTNN cần có sự đổi mới về nhận thức trong vấn đề tăng cường kiểm toán tổng hợp, bởi trước đây, hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN chủ yếu là kiểm toán báo cáo tài chính do đó “tiếng nói” của KTNN trước HĐND và Quốc hội còn khiêm tốn. KTNN sẽ cố gắng lồng ghép cả 03 loại hình (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động) để đánh giá sâu tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, sử dụng NSNN; góp “tiếng nói” có giá trị hơn với HĐND, Quốc hội và các cơ quan nhà nước. Tổng Kiểm toán nhất trí với tên gọi khung đề cương là "Kiểm toán ngân sách địa phương".

Theo kế hoạch, Vụ Tổng hợp sẽ hoàn thiện khung đề cương và tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung khung đề cương tới tất cả các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong toàn ngành.

Xem thêm »