Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội 2015; Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015

11/11/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn,gov.vn) - Ngày 10/ 11/2014, Quốc hội làm việc tại Hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ tọa phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.


Trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi).
 
Trong buổi làm việc, đã có 19 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Đối tượng, ngành nghề, địa bàn và thủ tục được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; bảo đảm hoạt động đầu tư và thực hiện dự án đầu tư; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
 
Nhiều đại biểu đã thảo luận về quy định nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế; về quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần của tổ chức kinh tế; Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư và hình thức đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư; Trách nhiệm, nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư; Về thực hiện giao dịch ký quỹ để đảm bảo hoạt động của nhà đầu tư; Về bảo đảm tính minh bạch của các quy định trong dự thảo luật; sự đồng bộ giữa Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các dự án luật chuyên ngành; Về hiệu lực thi hành...
 
Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật.
 
Buổi chiều, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015.
 
Quốc hội đã biểu quyết thông qua mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2015 và biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội xác định các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2015, gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
 
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và dự thảo dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã trình bày dự thảo dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
 
Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 1 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết với 88,13% số phiếu tán thành. Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 nêu rõ: Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi ngân sách Nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) thực hiện từ ngày 1-1-2015.
 
Cũng trong buổi chiều ngày 10/11/2014, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Trong buổi làm việc, đã có 12 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Áp dụng Luật doanh nghiệp với các luật chuyên ngành; Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh; Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp; con dấu của doanh nghiệp; Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp; Về nhóm công ty; Bảo đảm sự đồng bộ giữa Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các dự án luật chuyên ngành...
 
Ngày 11/11/2014, buổi sáng, Quốc hội làm việc ở hội trường và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
 
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
 
Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.

Xem thêm »