Các tổ chức xã hội phải được kiểm toán để tiếp cận nguồn tài trợ

10/11/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đó là thông tin được đại diện các nhà tài trợ quốc tế đưa ra tại Hội thảo “Tổng kết dự án và đối thoại chính sách minh bạch thông tin viện trợ” do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) tổ chức mới đây. Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà tài trợ quốc tế đòi hỏi các tổ chức xã hội (TCXH) dân sự (còn gọi là tổ chức phi Chính phủ) tại Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về năng lực cũng như tính minh bạch trong hoạt động.

Kiểm toán để nâng cao năng lực
Năm 2012, MSD đã khởi động dự án “Thúc đẩy hiệu quả phát triển cho các TCXH Việt Nam về minh bạch và giải trình”, đánh dấu bằng sự ra đời của Bộ nguyên tắc thực hành minh bạch và trách nhiệm giải trình do Cơ quan Viện trợ Ailen (Irish Aid) tài trợ. Mục đích của dự án nhằm thúc đẩy thực hành tốt minh bạch và giải trình cho các TCXH; hỗ trợ các TCXH phát triển... Theo MSD, hiện nay Việt Nam đã hình thành hệ thống hàng nghìn TCXH hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, năng lực của các TCXH tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn tài trợ, đặc biệt là nguồn vốn tài trợ quốc tế. Cụ thể là có hơn 90% đơn vị được khảo sát không có kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực của tổ chức; nhiều đơn vị hoạt động thiếu chuyên nghiệp.

Các dự án tài trợ của quốc tế thông qua các TCXH mặc dù không lớn (có thể chỉ vài chục nghìn USD/dự án), song đó là những khoản viện trợ không hoàn lại, góp phần hỗ trợ đáng kể cho các chương trình kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là hỗ trợ nhóm người nghèo, địa phương còn nhiều khó khăn. Tiêu biểu như Quỹ Canada do Đại Sứ quán Canada tại Việt Nam quản lý từ năm 1991 đến nay đã tài trợ cho trên 400 dự án vì cộng đồng với tổng nguồn vốn trên 25 triệu USD...

Để tiếp cận được nhiều nguồn vốn tài trợ quốc tế, theo ông Phan Đăng Cường - cố vấn của Irish Aid, các TCXH cần phải minh bạch thông tin, chứng minh năng lực thông qua thực hiện kiểm toán hàng năm. Việc làm này còn giúp nhà tài trợ giám sát, đánh giá hiệu quả của các nguồn tài trợ.

Đối với Irish Aid, từ năm 2014, cơ quan này đã khuyến khích các TCXH sử dụng dịch vụ kiểm toán đối với tổ chức và kiểm toán đối với các dự án được tài trợ. Tuy nhiên, tới đây yêu cầu này sẽ trở thành quy định bắt buộc nhằm đảm bảo nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các TCXH, góp phần nâng cao hiệu quả của các dự án tài trợ trong cộng đồng. Theo ông Phan Đăng Cường, khi được yêu cầu kiểm toán, nhiều TCXH còn e ngại, song đây là xu thế chung thế giới đang áp dụng. Irish Aid hiện đang tài trợ cho hàng chục TCXH tại nhiều quốc gia khác nhau, nhiều nước trong số đó đã thực hiện việc kiểm toán đối với TCXH hằng năm. Irish Aid cũng cam kết hỗ trợ kinh phí thuê dịch vụ kiểm toán trong thời gian đầu.

Đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng thừa nhận, các TCXH của Việt Nam cần phải nỗ lực nâng cao năng lực hơn nữa và tạo dựng hình ảnh trước nhà tài trợ. Sự tham gia của hoạt động kiểm toán là giải pháp quan trọng giúp các TCXH thực hiện những yêu cầu trên. Thời gian đầu, các TCXH có thể công khai hoặc không công khai báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, đây sẽ là yêu cầu bắt buộc với các TCXH sau 2 năm nhận tài trợ mà USAID đang áp dụng. Thậm chí, các TCXH sẽ phải thuê các tổ chức kiểm toán quốc tế để đảm bảo cao nhất tính trung thực, chính xác của báo cáo kiểm toán.

Giúp các TCXH định vị thương hiệu
Đại diện nhiều nhà tài trợ quốc tế tại Việt Nam cho rằng, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình không chỉ góp phần nâng cao năng lực cho các TCXH mà còn là hướng xây dựng thương hiệu bền vững trong lộ trình các TCXH hướng ra khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn vốn tài trợ trong nước ngày càng hạn hẹp, việc thu hút các nhà tài trợ quốc tế đang trở thành yêu cầu bức thiết. Để làm được điều này, các TCXH cần xây dựng được thương hiệu, mặc dù đây là yêu cầu không dễ dàng. “Việc xây dựng thương hiệu cho các TCXH luôn cần thời gian dài, thậm chí là trên 50 năm. Tại Việt Nam, khoảng thời gian này có thể lâu hơn” - ông Phan Đăng Cường cho biết.  

Trong khuôn khổ của những nỗ lực nhằm hỗ trợ tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, hiệu quả quản trị Nhà nước, tháng 12/2013, USAID phối hợp với KTNN và một số Bộ, ngành thuộc Chính phủ và các TCXH xây dựng dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” với số tiền tài trợ khoảng 42 triệu USD và kéo dài trong 5 năm. Theo đại diện USAID, dự án xác định những mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn là giúp các cơ quan lập pháp và hoạch định chính sách ở Việt Nam hoàn thiện thể chế pháp luật; giúp các TCXH nâng cao năng lực hoạt động, xây dựng hình ảnh để sau ít năm nữa có thể vươn ra khu vực, khẳng định được tiếng nói trong phản biện, xây dựng chính sách.

Cũng với mục đích nhằm góp phần giúp định vị thương hiệu cho các TCXH của Việt Nam, mới đây, Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF - do Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh đồng tài trợ với tổng ngân sách xấp xỉ 72 tỉ đồng) có các dự án thành phần hỗ trợ các TCXH trong việc tăng cường năng lực về các lĩnh vực như quản lý dự án, tài chính, kế toán, đấu thầu mua sắm, quản trị và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực của cộng đồng cũng như sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, các TCXH của Việt Nam sẽ sớm xây dựng được thương hiệu, khẳng định được năng lực góp phần thực hiện hiệu quả các dự án tài trợ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân./.

Theo Báo Kiểm toán số 45/2014

Xem thêm »