Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2014: Thảo luận các giải pháp, biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong các tháng còn lại của năm 2014.

01/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong 2 ngày 29 và 30/9/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2014. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đã tham dự phiên họp.


Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình: Kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2014; Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 9 tháng đầu năm 2014; Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Báo cáo về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành… Ngoài ra, Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác.
 
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
 
Theo báo cáo số 6745/BC-BKHĐT ngày 30/9/2014 về "Tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014", tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 5,62%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ 2 năm trước (2013: 5,14%; 2012: 5,1%). Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,42%, khu vực dịch vụ tăng 5,99%.
 
Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm: Duy trì đà phục hồi với chỉ số IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng) tăng qua từng tháng và cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2014, chỉ số IIP tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 5,4%). Trong đó: khai khoáng tăng 0,4%; công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm, ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của công nghiệp chế biến, chế tạo, theo đó, chỉ số IIP của ngành này ở Quý I tăng 7,4%, Quý II tăng 8,6% và Quý III tăng 9,5%.
 
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Đã khắc phục được khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra và đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng đầu năm tăng 3,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2013. Trong đó: nông nghiệp tăng 2,4%, lâm nghiệp tăng 6,1%, thủy sản tăng 6,5%. Ước tính sản lượng lúa cả năm 2014 đạt khoảng 44,86 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2013.
 
Khu vực dịch vụ: Trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 6,2% (cùng kỳ tăng 5,3%); Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 6 triệu lượt, tăng 10,4% (cùng kỳ đạt 5,5 triệu lượt, tăng 9,9%). Hoạt động vận tải và các dịch vụ khác tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
 
Xuất khẩu, nhập khẩu: Xuất khẩu duy trì tăng trưởng khá cao, có xuất siêu, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Trong 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 109,63 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 107,2 tỷ USD, tăng 11,1%; xuất siêu 2,47 tỷ USD, bằng 2,25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Tháng 9/2014 tăng 0,4% so với tháng 12/2013, CPI tháng 9/2014 tăng 2,25% - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9/2014 tăng 3,62%, bình quân 9 tháng tăng 4,61%.
 
Thu - chi ngân sách Nhà nước: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9/2014, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 597,55 nghìn tỷ đồng, bằng 76,3% dự toán năm; tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 722,02 nghìn tỷ đồng, bằng 71,7% dự toán năm.
 
Đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm ước đạt 833,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước đã tăng đáng kể cả về quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng, chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
 
Phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra
 
Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Các Bộ, Ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ; các Nghị quyết của các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trong tất cả các ngành, các lĩnh vực chủ yếu. Dự báo cả năm cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, trong đó, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% là hoàn toàn khả thi.
 
Tuy nhiên, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tổng cầu còn yếu, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, nợ xấu còn cao; cân đối ngân sách khó khăn, chi thường xuyên ở mức cao và có xu hướng tăng; tái cơ cấu còn chậm; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp...
 
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ đánh giá kết quả đạt được là khá toàn diện theo hướng ổn định, vững chắc, hiệu quả hơn; đà tăng trưởng phục hồi rõ nét và đồng đều hơn. Đây là kết quả đáng mừng, tuy nhiên, “Không được chủ quan, thoả mãn; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra với tinh thần năng động, sáng tạo, sâu sát” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào một số nhiệm vụ.
 
Về ổn định vĩ mô, tiếp tục nhất quán mục tiêu đã đề ra; theo dõi sát diễn biến tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ, hài hoà các chính sách vĩ mô (tiền tệ, tài khoá, đầu tư, thương mại, giá cả thị trường) để duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không chỉ trong năm 2014 mà còn cho những năm tiếp theo nhằm tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống. Tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng dự trữ ngoại hối; bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam.
 
Về giải quyết nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp phù hợp xử lý hiệu quả nợ xấu, tham gia cùng doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), có phương án xử lý hiệu quả đối với nợ xấu đã mua và tiếp tục mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
 

Về sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, bố trí vốn đối ứng để thực hiện các dự án đầu tư theo đúng tiến độ. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết với các thỏa thuận FTA đang đàm phán và sắp ký kết nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; giảm mức độ phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Có biện pháp phù hợp để khuyến khích tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...
 

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; các đột phá chiến lược, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng giao Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể vấn đề năng suất lao động, phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể để cải thiện và nâng cao năng suất lao động.

Về lĩnh vực xã hội, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Thủ tướng lưu ý, bên cạnh nhiệm vụ chống quá tải bệnh viện, ngành Y tế cần quan tâm triển khai tích cực phòng chống bệnh lao, bệnh có số ca tử vong mỗi năm cao hơn nhiều so với số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông. Đây là thực trạng đáng lo ngại, nhất là đa phần bệnh nhân lao là người nghèo. Bộ Y tế cần sớm có các biện pháp giải quyết vấn đề này - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về một số Báo cáo quan trọng
 
Tại Phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về một số Báo cáo quan trọng.
 
Chính phủ đã nghe Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án. Các thành viên Chính phủ nhất trí về chủ trương đầu tư Dự án. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện tờ trình, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án. Thủ tướng yêu cầu Tờ trình cần nói rõ hơn sự cần thiết của Dự án (tại sao không mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Biên Hoà); quy mô, hiệu quả dự án, nguồn vốn cho dự án (có ảnh hưởng đến nợ công hay không)…
 
Về Báo cáo một số biện pháp đẩy mạnh thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma tuý và mở rộng chương trình điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Methadone, các ý kiến cơ bản nhất trí với đề xuất, kiến nghị nêu trong Báo cáo, đưa vào Nghị quyết của Chính phủ. Theo Báo cáo, Bộ Y tế cần bảo đảm đủ thuốc Methadone, Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí mua thuốc để cung cấp cho các địa phương thực hiện chương trình điều trị Methadone; UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, phê duyệt Kế hoạch, phương án, lộ trình triển khai đổi mới công tác cai nghiện trong năm 2014, trong đó cần quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện, báo cáo Thủ tướng và Uỷ ban Quốc gia; mở rộng các cơ sở điều trị Methadone bảo đảm đạt chỉ tiêu đề ra năm 2014 và 2015… Từ khi được triển khai thí điểm từ năm 2008 đến nay, Chương trình mới được mở rộng đến 38/63 tỉnh, thành và điều trị được hơn 20.000 người nghiện (đạt 26% chỉ tiêu đề ra).
 
Về chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung thực hiện tốt việc chuẩn bị các báo cáo trình bày và gửi Quốc hội, chuẩn bị nội dung giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp; tích cực tham gia các phiên thảo luận của Quốc hội, chủ động phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.
 
Về công tác thông tin, truyền thông, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho nhân dân và báo chí, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm đã đề ra.
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 01, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu Kế hoạch năm 2014 đã được Quốc hội thông qua./.

Khánh Vy

Xem thêm »