Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo kế hoạch kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước

24/09/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 23/9/2014, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội (Uỷ ban TCNSQH) đã thảo luận, tham gia ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Tham dự Phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban TCNSQH Phùng Quốc Hiển, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn và đại diện một số cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ.

Dự kiến thực hiện 186 cuộc kiểm toán trong năm 2015
Theo báo cáo của KTNN, nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và các địa phương, KTNN xác định mục tiêu tổng quát trong hoạt động năm 2015 là “Triển khai đồng bộ 8 mục đích của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017; tập trung nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, đồng thời nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán”.

Trên cơ sở bám sát mục tiêu đã đề ra, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2015 có nhiều đổi mới theo hướng: Tập trung kiểm toán hầu hết báo cáo quyết toán ngân sách năm 2014 của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo nhằm phục vụ tốt nhất việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2014 của HĐND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Quốc hội. Ngoài ra, KTNN sẽ lựa chọn các chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng để tổ chức cho hầu hết các KTNN chuyên ngành, khu vực cùng tham gia kiểm toán nhằm đưa ra những đánh giá toàn diện, sâu sắc về chủ đề được lựa chọn kiểm toán. KTNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán nhằm tiết kiệm nhân sự và thời gian kiểm toán tại đơn vị.
    
Với định hướng như trên, tổng số cuộc kiểm toán theo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2015 của KTNN là 186 cuộc, bằng kế hoạch kiểm toán năm 2014.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc lựa chọn đầu mối đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2015 đảm bảo đánh giá được việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, công tác quản lý, điều hành của Chính phủ với một số nội dung trọng tâm kiểm toán cho từng lĩnh vực (NSNN, đầu tư, DNNN và các tổ chức tài chính-ngân hàng, kiểm toán chuyên đề).

Đảm bảo tính toàn diện, bám sát chương trình giám sát của Quốc hội
Trên cơ sở báo cáo của KTNN, Thường trực Ủy ban TCNSQH cơ bản đồng tình với các vấn đề về nguyên tắc, định hướng, mục tiêu xây dựng kế hoạch kiểm toán cũng như những giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2015 của KTNN. Đối với nội dung kiểm toán, cơ quan thẩm tra đề nghị KTNN tiếp tục ưu tiên và tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm toán xác nhận quyết toán NSNN; kiểm toán một số nội dung theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là những vấn đề thời sự nổi cộm đang được dư luận xã hội quan tâm, như: Công tác phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; Quản lý nợ công; Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015; Vấn đề quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA; Chi cho phát triển kinh tế và một số chương trình mục tiêu quốc gia… “Hoạt động kiểm toán phải đảm bảo tính toàn diện, bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, phục vụ cho Quốc hội trong hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của Đất nước. Phấn đấu kiểm toán 100% ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm mục tiêu phục vụ xác nhận số liệu quyết toán ngân sách các cấp.” – Chủ nhiệm Ủy ban TCNSQH Phùng Quốc Hiển, nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Trong bối cảnh đó, KTNN cần giúp các địa phương, Quốc hội nhìn nhận lại kết quả 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch qua việc đánh giá chính sách tài khóa, chiến lược tài chính nổi bật là vấn đề thu, chi ngân sách. Năm 2015 cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, do đó KTNN cần lưu ý thêm về mặt thời gian triển khai kiểm toán để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong vấn đề phối hợp.

Ủy ban TCNSQH đề nghị hoạt động kiểm toán của KTNN tiếp tục tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, nhất là Luật KTNN và Luật NSNN; đảm bảo quy định về thời gian và có tính đến yếu tố con người. Trong hoạt động kiểm toán, có thể kết hợp linh hoạt cả 03 loại hình kiểm toán: kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động.

Một số đại biểu cho rằng, KTNN cần tiếp tục rà soát các nội dung kiểm toán trong từng lĩnh vực để đảm bảo tính khả thi, hợp lý, phù hợp với quỹ thời gian, nguồn nhân lực cũng như đảm bảo được chất lượng của các cuộc kiểm toán. Đại diện Thanh tra Chính phủ cùng một số cơ quan có cùng chức năng thanh tra, kiểm tra đề nghị KTNN có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan này để tránh trùng dẫm, chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp thu các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết sẽ sớm hoàn thiện dự thảo kế hoạch kiểm toán năm 2015 gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến trước ngày 10/10/2014./.

Hà Linh

Xem thêm »