“Hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” phải là nguyên tắc xuyên suốt trong việc sửa đổi Luật KTNN

18/09/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tính độc lập của KTNN là tiền đề cơ bản bảo đảm cho công tác kiểm tra tài chính, tài sản công có hiệu lực và hiệu quả. Vì vậy nguyên tắc hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong tổ chức và hoạt động của KTNN, cũng như kiểm toán viên (KTV) Nhà nước phải được bảo đảm về mặt pháp lý. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong việc sửa đổi Luật KTNN.


Trước hết, Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) phải xác định địa vị pháp lí của KTNN trong hệ thống cơ cấu tổ chức nhà nước, địa vị pháp lý của một tổ chức nhà nước phải được quy định bằng pháp luật. Đối với nước ta, địa vị pháp lý của KTNN phải được xác định trong Hiến pháp, Điều 118: “…KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Điều đó khẳng định KTNN là một thiết chế độc lập trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Như vậy, Luật KTNN phải thể hiện đầy đủ tính độc lập trong toàn bộ công tác tổ chức bộ máy, cũng như hoạt động kiểm toán của KTNN.

Hai là, về tổ chức bộ máy, để thực hiện nguyên tắc “hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”, cần quy định tổ chức bộ máy của KTNN  theo nguyên tắc tổ chức tập trung, thống nhất như Luật KTNN hiện hành. Đồng thời bổ sung quy định về cơ chế phân cấp theo hai cấp độ về tổ chức quản lý, đó là cấp Tổng Kiểm toán Nhà nước và cấp Kiểm toán trưởng. Tăng cường phân cấp gắn với trách nhiệm người đứng đầu nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính trong tổ chức, hoạt động của KTNN, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong toàn hệ thống.

Thứ ba, về nhân sự, Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) nên quy định thêm tiêu chuẩn, cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp của KTNN, đặc biệt là Tổng Kiểm toán Nhà nước bởi vì Tổng Kiểm toán Nhà nước là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định của mình, do đó tính độc lập chỉ được thực hiện khi có quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm được quy định cụ thể trong Luật KTNN; nên giữ nguyên quy định nhiệm kỳ Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm và không quá 2 nhiệm kỳ như hiện nay. Đồng thời cũng cần phải quy định cụ thể trong Luật về cơ chế tuyển dụng và sa thải KTV để tránh những trường hợp điều động, thuyên chuyển, xử lý kỷ luật KTV Nhà nước mang tính cá nhân, vị kỷ, tạo điều kiện cho KTV phát huy tính độc lập, tự tin trong khi thi hành công vụ.

Bốn là, đối tượng, phạm vi kiểm toán của KTNN phải được quy định cụ thể trong Luật. Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) cần làm rõ thuật ngữ “ tài chính, tài sản công” trong đó nhiệm vụ trọng tâm của KTNN là kiểm toán thu - chi NSNN (các đối tượng có nghĩa vụ nộp NSNN và sử dụng kinh phí NSNN), các quỹ công của Nhà nước, các khoản vay - nợ của Chính phủ, tài sản công…

Năm là, Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) phải bảo đảm tính độc lập cho KTNN trong việc xây dựng, ban hành chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và thực hiện kiểm toán theo một quy trình nghiệp vụ phù hợp. Tuy nhiên, không thể trao cho KTNN trách nhiệm vô giới hạn, bởi vì hoạt động của KTNN chỉ tuân thủ pháp luật, do đó việc xây dựng và ban hành các văn bản nghiệp vụ phải phù hợp với các văn bản pháp luật của Việt Nam. Do đó nên bỏ Khoản 2, Điều 7 Luật KTNN hiện hành (“Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN”). 

Sáu là, quyền thực thi kết luận, kiến nghị kiểm toán, đa số Luật Kiểm toán của các nước quy định việc thực thi kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tuỳ thuộc vào mức độ sai sót đã được kết luận để KTNN đưa ra kiến nghị xử lý, đồng thời KTNN có quyền đưa ra kiến nghị các biện pháp khắc phục các sái sót đã được kết luận. Các đơn vị được kiểm toán phải trình bày những biện pháp khắc phục và thời hạn để khắc phục các sai sót đó. Nếu đơn vị bị kiểm toán không thực hiện, KTNN có quyền thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị đó hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Luật KTNN hiện hành chưa quy định chế tài xử phạt, vì vậy nên bổ sung vào Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) chế tài xử phạt đối với các đơn vị vi phạm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán.

Bảy là, theo quy định của Hiến pháp, “Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Như vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ báo cáo trước Quốc hội. Bên cạnh việc báo cáo trước Quốc hội, KTNN phải công bố công khai kết quả kiểm toán hàng năm, để thực hiện quy định này, Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi)  cần bổ sung các qui định cụ thể về nội dung, phạm vi, thời hạn và hình thức công bố công khai kết quả kiểm toán, để bảo đảm tính pháp lý của các thông tin tài liệu được công bố.

Tám là, độc lập trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, không để các cơ quan Nhà nước khác chi phối, tác động đến việc xây dựng kế hoạch kiểm toán; hoặc thay đổi, bỏ qua những chương trình kiểm toán đã được xây dựng. Để bảo đảm vấn đề này cần phải quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng, quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm.

Chín là, để bảo đảm nguyên tắc “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được thực hiện đúng pháp luật và có hiệu quả, Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) nên bổ sung chế tài về kiểm soát chất lượng kiểm toán, theo nguyên tắc kết hợp giữa tự kiểm soát của KTNN với kiểm soát từ bên ngoài của một cơ quan quyền lực Nhà nước có thẩm quyền ./.

Theo Báo Kiểm toán số 37/2014

Xem thêm »