(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều ngày 4/9/2014, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trao đổi về mục tiêu, tiêu chí cuộc kiểm toán hoạt động "Chương trình Nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội" và đánh giá 02 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ Xây dựng.
Tham dự Hội nghị, về phía KTNN có đồng chí Nguyễn Hữu Vạn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Lê Hoàng Quân, Vũ Văn Họa cùng đại diện Lãnh đạo các Vụ: Tổ chức cán bộ, Tổng Hợp, Pháp chế, Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN Chuyên ngành II, Trung tâm Khoa học và bồi dưỡng cán bộ; Phòng Kiểm toán hoạt động của KTNN. Về phía Bộ Xây dựng có đồng chí Trịnh Đình Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng; đồng chí Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng và đại diện Lãnh đạo một số Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ có liên quan đến chủ đề kiểm toán.
Hội nghị đã được nghe ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN báo cáo tóm tắt kế hoạch kiểm toán hoạt động "Chương trình Nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội" - cuộc kiểm toán hoạt động thí điểm đầu tiên của KTNN trong năm 2014.
Kiểm toán hoạt động góp phần minh bạch chương trình nhà ở xã hội
Theo báo cáo, đến nay, Đoàn khảo sát cuộc kiểm toán “Chương trình Nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội” đã tổ chức nghiên cứu tài liệu liên quan đến các quy định về nhà ở xã hội của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các văn bản về Chương trình Nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội. Đoàn khảo sát cũng đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin tại các đơn vị quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình từ ngày 22 đến ngày 25/4/2014 và từ ngày 06 đến ngày 12/5/2014 tại Văn phòng UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch kiến trúc, Công an thành phố, UBND quận Hà Đông và một số chủ đầu tư. Quá trình khảo sát, Đoàn khảo sát đã nhận được sự phối hợp tốt của các cơ quan, đơn vị, từ đó nắm bắt được những thông tin cơ bản về tình hình quản lý, triển khai, điều hành thực hiện Chương trình, đánh giá rủi ro dự kiến trong các quy trình, thủ tục quản lý chính trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Kế hoạch kiểm toán “Chương trình Nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội” tập trung vào một số nội dung kiểm toán chủ yếu đó là: Công tác xây dựng kế hoạch và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; Công tác lựa chọn đối tượng được mua nhà ở xã hội; Công tác thẩm định, xác định giá bán; Công tác quản lý việc thực hiện hợp đồng và các quy định ràng buộc đối với người mua về mục đích sử dụng căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội. Theo đó, thời kỳ được kiểm toán là từ 01/01/2011 đến 31/10/2014 (tùy theo mục tiêu kiểm toán sẽ xác định cụ thể từng thời kỳ được kiểm toán). Đơn vị được kiểm toán gồm: Văn phòng UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, 10 UBND phường (thuộc các quận Hà Đông, Long Biên, Hoàn Kiếm) và 12 chủ đầu tư (kiểm toán trực tiếp tại 8 đơn vị; 4 đơn vị chỉ tiến hành phỏng vấn).
Các mục tiêu kiểm toán chủ yếu của cuộc kiểm toán gồm: Đánh giá tính phù hợp của mục tiêu phát triển nhà ở xã hội với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân thành phố, đồng thời đánh giá việc xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội có phù hợp với mục tiêu hay không; Đánh giá quy định xác định đối tượng mua nhà ở xã hội có được xây dựng và thực hiện nhằm đảm bảo đối tượng mua nhà ở xã hội đúng tiêu chuẩn quy định của TP hay không; Đánh giá cơ chế xác định giá bán nhà ở xã hội của thành phố có được xây dựng và thực hiện phù hợp với đối tượng hưởng lợi của Chương trình và các nguyên tắc xác định giá bán nhà ở xã hội của Nhà nước hay không; Đánh giá cơ chế kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội có được xây dựng và thực hiện nhằm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nhà ở xã hội đúng mục đích hay không; Thành phố có tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình theo các tiêu chí cụ thể và kịp thời đề xuất các giải pháp điều chỉnh hay không. Mỗi mục tiêu kiểm toán đều có kèm theo các tiêu chí kiểm toán cụ thể.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Nhà ở xã hội là chương trình tâm huyết của Đảng, Chính phủ. Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở thì phải đảm bảo cho người dân được cải thiện về nhà ở, nhưng trên thực tế, người nghèo được cải thiện rất ít. Từ thực tế này, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chiến lược nhà ở để cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu vì con người và tạo điều kiện cho người nghèo, người thu nhập thấp có nhà để ở. Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thủ tục, giá cả cũng như việc xác định đối tượng mua nhà ở xã hội.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Chương trình Nhà ở xã hội đã được mở rộng cho nhiều đối tượng: người nghèo ở nông thôn, người có công, sinh viên, công nhân, lực lượng vũ trang, hạ sỹ quan, quân nhân, người dân đô thị, cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính chị có khó khăn về nhà ở. Do vậy, việc thẩm định, kiểm soát giá bán sẽ được Bộ Xây dựng quản lý sát sao, nếu có dấu hiệu tăng giá, yêu cầu dừng ngay để thanh kiểm tra.
Đồng tình với kế hoạch đề ra của KTNN, Bộ trưởng đề nghị đoàn kiểm toán đi sâu kiểm toán việc xây dựng kế hoạch, chương trình các chương trình nhà ở, kế hoạch hóa chiến lược nhà ở, lộ trình thực hiện cụ thể như đề án phát triển Nhà ở xã hội đến 2020… phải có đề án trung, dài hạn chứ không nên theo cơ chế tự phát.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, kiểm toán hoạt động là một chương trình mới và đã chọn chương trình nhà ở xã hội của thành phố Hà Nội là chương trình thí điểm đầu tiên. Để công tác kiểm toán đạt chất lượng hiệu quả, đánh giá đúng tình hình thực tiễn, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Xây dựng, cũng như các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng có liên quan đến cuộc kiểm toán phối hợp chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện cho đoàn kiểm toán trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Công tác kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngành xây dựng
Tại Hội nghị, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành II đã trình bày báo cáo đánh giá 02 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ Xây dựng. Báo cáo nêu rõ, trong 2 năm qua, Hai cơ quan đã có sự phối hợp tốt ở phần lớn các nội dung được ký kết. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, KTNN và Bộ Xây dựng đã tạo điều kiện cho nhau thực hiện trên tinh thần chủ động phối hợp đảm bảo trình tự, thủ tục trong quy chế phối hợp, góp phần nâng cao hiệu quả, và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mỗi bên.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết: Thực hiện Quy chế phối hợp, từ năm 2012 đến nay, KTNN đã tiến hành các cuộc kiểm toán: Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của Bộ Xây dựng niên độ 2011, 2013; Kiểm toán thường niên dự án ĐTXD công trình nhà Quốc hội, kiểm toán chuyên đề hỗ trợ nghèo và nhà ở theo quyết định 167/2008/QĐ-TTg; Kiểm toán một số TCT thuộc Bộ Xây dựng như TCT Lắp máy Việt Nam, TCT Sông Đà… Để đảm bảo thông tin, lập kế hoạch kiểm toán, KTNN đã thành lập tổ khảo sát và xây dựng đề cương khảo sát gửi Bộ Xây dựng để có sự phối hợp kịp thời.
Thông qua thực hiện các nội dung trong QCPH, việc phối hợp kiểm toán đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ theo hướng đảm bảo rõ căn cứ pháp lý, chế độ chính sách quản lý đầu tư xây dựng phục vụ cho kết luận kiểm toán. Hầu hết các kiến nghị kiểm toán của KTNN và Bộ Xây dựng đều được thực hiện đầy đủ. Công tác phối hợp giữa KTNN và Bộ Xây dựng cũng được thể hiện trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, cụ thể: Ngay sau khi có kết luận liểm toán, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị của KTNN, đồng thời giao cho Vụ Kế hoạch Tài chính là cơ quan đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó là công tác phối hợp trong việc tổ chức hội thảo, tọa đàm và các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng như hoạt động tuyên truyền Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
Ghi nhận hiệu quả của công tác kiểm toán đối với ngành xây dựng trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, kiểm toán, kiểm tra là hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo thực thi chính sách, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Bộ Xây dựng luôn coi đây là nhiệm vụ của Bộ, bởi nếu không kiểm toán thì Bộ Xây dựng cũng sẽ thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và nhiều phạm vi khác theo đúng quyền hạn. Đây sẽ là cơ sở để chỉ ra sai phạm, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng của Bộ, đồng thời biểu dương những việc làm đúng, giúp các đơn vị yên tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, hai bên chủ động tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp, qua đó nâng cao hiệu quả và tăng cường mối quan hệ hai cơ quan; thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên.
HÀ LINH