Tổ chức thực hiện Kế hoạch Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013 - 2017

25/08/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - KTNN đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào tháng 4 năm 2010. Với mục tiêu xác định giá trị cốt lõi để phát triển KTNN là “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”, việc thực hiện Chiến lược sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN, phù hợp với xu thế phát triển của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao trên thế giới.


Thực hiện Thoả thuận hợp tác về Chương trình Xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược của IDI-ASOSAI 2011-2013, KTNN đã xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017, nhằm lựa chọn và thực hiện một số hoạt động quan trọng, mang tính ưu tiên cao thuộc Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và Tổng KTNN đã ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 – 2017 vào ngày 9/10/2013.

Kế hoạch gồm 08 mục đích chiến lược được xây dựng trên cơ sở đánh giá nhu cầu, các hoạt động thuộc Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và cam kết của KTNN với IDI-ASOSAI về việc thực hiện tuân thủ ISSAI. 

Mỗi mục đích đều xác định mục tiêu, các dự án và các chỉ số đo lường chính:

1. Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN;

2. Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ và số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa;

3. Tăng cường năng lực của KTNN trong việc áp dụng thực hiện ISSAI;

4. Nâng cao năng lực của KTNN trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán;

5. Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán;

6. Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công;

7. Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu;

8. Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của KTNN 

KTNN đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch tuyên truyền bài bản: In ấn tài liệu, tờ rơi, tổ chức thuyết trình về chiến lược trong toàn ngành (tại tất cả các đơn vị); đăng tải trên Báo chí, website KTNN.

Về chỉ đạo tổ chức thực hiện: Đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược do Tổng KTNN làm trưởng ban và có sự tham gia của các lãnh đạo KTNN; đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2013 rất cụ thể với từng hoạt động, chỉ số đo lường, mốc quan trọng, trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp.

Khái quát kết quả thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017

Mục đích chiến lược 1: "Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN", đến nay đã hiến định địa vị pháp lý của KTNN vào hiến pháp và xây dựng dự thảo Luật KTNN trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hiện nay KTNN cũng đang triển khai các hoạt động nhằm tạo sự đồng bộ về quy định đối với hoạt động KTNN trong các luật có liên quan.

Mục đích chiến lược 2: Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ và số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa, đến nay KTNN đã xây dựng và triển khai nhiều đề án nhằm hoàn thiện và phát triển hệ thống tổ chức bộ máy từng bước tiến tới đồng bộ. Hiện đã có bộ phận chuyên trách nghiên cứu về kiểm toán hoạt động; các đề án tuyển dụng; xem xét lại mô hình cấp phòng của KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực; đang xây dựng đề án Thành lập Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ KTNN; xác định rõ chức năng của các đơn vị trong hoạt động kiểm toán; đổi mới hoạt động đào tạo và xây dựng hệ thống tài liệu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.

Mục đích chiến lược 3: Tăng cường năng lực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc áp dụng thực hiện chuẩn mực quốc tế (ISSAIs), đã triển khai tập trung hoạt động này, đến nay đã ban hành đuợc 04 chuẩn mực và tổ chức đào tạo. 

Mục đích chiến lược 4: Nâng cao năng lực của KTNN trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán, đã từng bước đổi mới, sắp xếp nhân sự trong công tác lập kế hoạch và hình thành bộ phận lập kế hoạch chuyên trách và sửa đổi quy trình lập kế hoạch kiểm toán (dự kiến cuối năm 2014 ban hành); bước đầu xây dựng được các tiêu chí về hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán.

Mục đích Chiến lược 5: Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán, đã đổi mới và xây dựng Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán, tăng cường năng lực cho Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Mục đích chiến lược 6: Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công, hiện nay đang thí điểm thực hiện 2 cuộc kiểm toán hoạt động với sự hỗ trợ của chuyên gia Canada và xúc tiến nghiên cứu xây dựng chuẩn mực về kiểm toán hoạt động và các hướng dẫn.

Mục đích chiến lược 7: Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu, hiện nay đang xây dựng Chuẩn mực. Thực tế hoạt động KTNN cũng đã chú trọng hơn tới vấn đề này trong tổ chức thực hiện.

Mục đích chiến lược 8: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN, hiện nay Đề án phát triển CNTN đến 2020 đã được xây dựng, dự kiến cuối tháng 8/2015 ban hành.

Các thách thức trong tổ chức thực hiện Chiến lược

Xây dựng công phu nhưng triển khai thực hiện chưa quyết liệt, thiếu các biện pháp kiểm soát gắn với đánh giá trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Việc xác định các ưu tiên thực hiện và nguồn lực tổ chức thực hiện chiến lược nhất là năng lực và các điều kiện về tài chính.

Các điều chỉnh kịp thời và phân tích các nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ.

Thiếu việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm điều phối và trách nhiệm của các đơn vị chủ trì thực hiện đầu mối các mục đích chiến lược

Sự đồng bộ trong thực hiện toàn ngành (các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực)

Các giải pháp để tổ chức thực hiện Kế hoạch Chiến lược tốt hơn

1. Rà soát tổng thể các mục đích và hoạt động của Chiến lược, vẫn cần tiếp tục xác định lại các ưu tiên trong từng mục đích, mục tiêu, dự án cụ thể để bố trí nguồn lực hiệu quả, cụ thể hóa trong từng năm thực hiện.

2. Cố gắng gắn kết các mục đích chiến lược để tạo sự đồng bộ và nhất quán nhất là nhân sự và các phương pháp tổ chức thực hiện. Xây dựng kế hoạch tổng thể hoạt động hàng năm và lồng ghép các hoạt động Chiến lược, tạo sự thống nhất trong toàn ngành.

3. Xác định rõ các nguồn lực tài chính và đầu tư trọng điểm.

4. Xem xét trách nhiệm và đánh giá kết quả thực hiện, kể cả các giải pháp về giám sát, điều phối thực hiện kế hoạch./.
TS. Nguyễn Hữu Phúc

Xem thêm »