Đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

18/08/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ trì cuộc họp về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội.

Ảnh minh họa

Sự cần thiết xây dựng Nghị định mới
Theo Bộ Tài chính, sau hơn 7 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 43 đã cho thấy những tồn tại, hạn chế như: việc cấp phát của NSNN còn bình quân chưa gắn kết giao nhiệm vụ cho đơn vị theo số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công tương ứng với giao kinh phí; vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, không khuyến khích đơn vị tăng thu, giảm chi NSNN cấp, không tạo động lực đổi mới đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Một số sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công của Nhà nước vẫn duy trì chính sách định giá thấp hơn chi phí cần thiết cung cấp dịch vụ (như học phí, viện phí...) dẫn đến Nhà nước hỗ trợ qua giá đối với tất cả các đối tượng sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, không phân biệt đối tượng giàu, nghèo, có mức thu nhập khác nhau. Mặt khác, do thu thấp hơn chi phí nên các đơn vị không có điều kiện hạch toán đầy đủ chi phí và có tích lũy để tái đầu tư phát triển, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Số lượng cán bộ, viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian qua tăng nhanh do chưa xác định theo định mức lao động, vị trí việc làm. Đơn vị được giao bổ sung biên chế đề nghị ngân sách bổ sung kinh phí chi hoạt động thường xuyên, tạo gánh nặng cho NSNN chi trả tiền lương cho đơn vị là nguyên nhân làm chậm tiến độ cải cách tiền lương.

Một số đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu từ các khoản thu phí, lệ phí. Do tỷ lệ để lại chi còn cao nên khoản chênh lệch thu, chi cuối năm lớn, có nguồn chi trả thu nhập tăng thêm cao hơn so với mặt bằng chung của các đơn vị sự nghiệp công lập khác...

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Nghị định mới nhằm từng bước hoàn thiện thể chế pháp luật về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành các quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể; đồng thời cụ thể các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020.

Việc xây dựng Nghị định mới sẽ tạo tiền đề sắp xếp, bố trí nguồn lực hợp lý của NSNN dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, từng bước giảm sự bao cấp của Nhà nước; thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Hướng tới đổi mới toàn diện cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - đại diện cơ quan soạn thảo Nghị định mới, quan điểm của Bộ khi xây dựng Nghị định mới là có lộ trình, bước đi thích hợp, hướng tới đổi mới toàn diện, có hiệu quả cơ chế quản lý, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Kết quả đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập phải hướng tới việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tốt hơn cho các tầng lớp nhân dân; đảm bảo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu với chất lượng cao hơn, công bằng hơn.

Mục tiêu của việc xây dựng Nghị định mới là xây dựng lộ trình để xoá bỏ bao cấp qua giá, phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; theo hướng giá dịch vụ sự nghiệp công từng bước tính đủ tiền lương, chi thường xuyên theo lộ trình phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân, tạo điều kiện cơ cấu lại NSNN, thực hiện chính sách cải cách tiền lương Nhà nước. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách sử dụng dịch vụ sự nghiệp công...

Dự thảo Nghị định mới có 4 Chương, 25 Điều quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đến năm 2015, mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2018 mức giá tính đủ chi phí, tích lũy hợp lý. Đối với giá dịch vụ công không sử dụng NSNN thì đơn vị tự xác định theo nguyên tắc thị trường.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần có một thiết chế để “tạo sức ép” thực hiện việc tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp trong bối cảnh vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết tâm thực hiện.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng phải làm để đảm bảo cung cấp dịch vụ công bằng, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho nhân dân và sử dụng hiệu quả NSNN.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đồng ý kiến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xây dựng khung, bảng lương riêng cho đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo thu nhập tương ứng với công việc, tránh tình trạng việc trả lương quá cao, đồng thời có trích lập tái đầu tư cho hoạt động ở mức độ tương xứng. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng Nghị định theo hướng thúc đẩy hoạt động sự nghiệp nói chung, đồng thời tạo điều kiện và tạo sức ép để đơn vị sự nghiệp công lập có động lực đổi mới hoạt động./.

Theo Báo Kiểm toán số 33/2014

Xem thêm »