Hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước: Đã có chuyển động tích cực nhưng còn chậm

18/08/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nỗ lực vượt qua khó khăn, công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN đã dần mang lại hiệu quả, hoạt động đầu tư tài chính dần được chấn chỉnh… là những ghi nhận tích cực của KTNN khi kiểm toán các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) Nhà nước trong 3 năm 2013, 2012, 2011 về niên độ tài chính 2012, 2011, 2010 vừa qua. Tuy nhiên, không ít bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng tiền và tài sản Nhà nước đã được KTNN kiến nghị để các TĐ, TCT được kiểm toán phải khắc phục.

Vượt khó trong sản xuất kinh doanh nhưng vẫn còn bất cập
Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN trong các năm 2010, 2011, 2012 vừa qua đã bị ảnh hưởng do suy giảm kinh tế thế giới, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, sức mua giảm. Vì thế, nhiều DN đã phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí dừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, các DNNN đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động và tích cực thực hiện đồng bộ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để phát triển sản xuất kinh doanh, bảo toàn vốn, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao, tiếp tục đóng góp quan trọng phát triển và duy trì ổn định kinh tế - xã hội.

Năm 2013, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính năm 2012 của 27 TĐ, TCT. Kết quả cho thấy 26/27 TĐ, TCT được kiểm toán đã kinh doanh có lãi, dù rằng hiệu quả hoạt động đều giảm sút so với năm 2011. Trước đó, Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 và Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách 2010 của KTNN cũng cho biết: vượt lên những khó khăn, bất ổn khó lường, 23/27 TĐ, TCT được kiểm toán năm 2012 đã kinh doanh có lãi; 19/21 TĐ, TCT được kiểm toán năm 2011 đã kinh doanh có lãi; qua đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhưng bên cạnh các nguyên nhân khách quan, KTNN đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân chủ quan khiến nhiều TĐ, TCT được kiểm toán trong các năm 2011, 2012, 2013 bị giảm sút hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó có nguyên nhân nhiều TĐ, TCT quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ quá hạn, khó đòi lớn; một số khoản tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi; một số khoản nợ trong nội bộ TĐ, giữa các TĐ với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; một số đơn vị xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện; nhiều đơn vị không trích lập hoặc trích lập không đúng quy định dự phòng nợ phải thu khó đòi. Một số đơn vị quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, còn để hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển, hàng hóa bị chiếm dụng, mất chưa xử lý, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang không còn nguồn bù đắp do đã kết chuyển hết doanh thu. Nhiều DN hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay nên hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt mức cho phép.

Chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư phục vụ cổ phần hóa, đổi mới DNNN
Về hoạt động đầu tư của các TĐ, TCT qua từng năm cũng đã có những thay đổi, chuyển biến, mà chắc chắn có phần nguyên nhân xuất phát từ quyết sách của Chính phủ đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả của các khoản đầu tư tài chính vẫn còn là một vấn đề lớn. Năm 2011, khi kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2010 của 21 TĐ, TCT, KTNN đã xác định tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn đến 31/12/2010 tại 21 TĐ, TCT là 37.735 tỷ đồng (đầu tư ngắn hạn 11.956 tỷ đồng, đầu tư dài hạn 25.779 tỷ đồng), bằng 6,46% tổng tài sản. Mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ của các DN không lớn nhưng đa số TĐ, TCT có hoạt động đầu tư ngoài ngành, trong đó nhiều DN đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và quĩ đầu tư... nên đã phần nào ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao. Bước sang năm 2011, hoạt động đầu tư tài chính của các TĐ, TCT - theo Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 - đã có sự chuyển hướng sang các công ty con, công ty liên kết có nguồn gốc từ cổ phần hóa, không đầu tư ngoài ngành. Việc đầu tư tài chính của các TĐ, TCT cơ bản được thực hiện đúng quy định, nhưng hiệu quả của các khoản đầu tư tài chính (25,750 tỷ đồng) được đánh giá là thấp do nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn, đặc biệt là các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ.

Còn trong Báo cáo kiểm toán năm 2013 về niên độ ngân sách 2012 thì hạn chế đáng nói nhất của các TĐ, TCT khi thực hiện đầu tư tài chính là một số TĐ, TCT đã mất cân đối nguồn vốn do sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Một số TĐ, TCT đầu tư không đúng quy định của Thông tư 117/2010/TT-BTC; đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều công ty con, công ty liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Một số đơn vị có vốn chủ sở hữu đầu tư tại DN lớn hơn vốn điều lệ nhưng chủ sở hữu chưa kịp thời phối hợp với Bộ Tài chính có phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển phần lợi nhuận được chia theo vốn thuộc chủ sở hữu đầu tư tại DN về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN T.Ư theo quy định tại Thông tư 138/2010/TT-BTC ngày 17/9/2010 của Bộ Tài chính hoặc chưa  góp đủ vốn điều lệ theo quy định.

Qua kiểm toán đánh giá về công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN các năm 2010 - 2012, KTNN cho rằng việc thực hiện cổ phần hóa các DNNN đã tiến hành chậm. Năm 2010, do sự suy thoái của thị trường vốn và một số nguyên nhân khách quan nên trong số các TĐ, TCT được kiểm toán chỉ có 2 đơn vị thuộc TCT Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai tiến hành cổ phần hóa. Tiến độ cổ phần hóa DN của một số TĐ, TCT chưa đạt kế hoạch đề ra nên một số đơn vị phải tạm chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH một thành viên để hoạt động phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Năm 2011, các TĐ, TCT được kiểm toán nằm trong diện tái cơ cấu đã lập đề án gửi các cơ quan liên quan thẩm định và đã có một số đơn vị được phê duyệt phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, vẫn còn một số TĐ, TCT gặp khó khăn trong quá trình xử lý các vấn đề tài chính đối với việc cổ phần hóa và thoái vốn tại một số đơn vị thua lỗ. Năm 2012, vấn đề này tiếp tục là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu của các TĐ, TCT được kiểm toán. Tuy đã có 13 trên tổng số 27 TĐ, TCT được kiểm toán đã được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt đề án, nhưng KTNN đánh giá rằng, việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu của các đơn vị còn chậm. Các đơn vị được phê duyệt đề án đã từng bước triển khai thực hiện nhưng còn gặp khó khăn trong rà soát, đối chiếu công nợ, thu hồi nợ tồn đọng, thanh lý tài sản, giải quyết chế độ đối với người lao động, xác định giá trị DN và thoái vốn tại các đơn vị kinh doanh kém hiệu quả.../.

Hồng Thoan

Theo Báo Kiểm toán số 33/2014

Xem thêm »