Hội thảo “Các giải pháp thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017”

14/08/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoann.gov.vn) - Sáng ngày 14/8/2014, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Hiệp hội kế toán công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức Hội thảo “Các giải pháp thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017”. Hội thảo do ông Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và bà Lê Thị Hồng Len – Trưởng đại diện ACCA tại Việt Nam chủ trì với sự tham dự của gần 150 đại biểu đại diện cho KTNN, các cơ quan của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ; các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; các trường Đại học, Viện nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp và tổ chức quốc tế.


KTNN đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào tháng 4 năm 2010. Với mục tiêu xác định giá trị cốt lõi để phát triển KTNN là “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và Không ngừng gia tăng giá trị”, việc thực hiện Chiến lược sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN, phù hợp với xu thế phát triển của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao trên thế giới.

Thực hiện Thoả thuận hợp tác về Chương trình Xây dựng và thực hiện Kế hoạch chiến lược của IDI-ASOSAI 2011-2013, ngày 9/10/2013, KTNN đã ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017, nhằm lựa chọn và thực hiện một số hoạt động quan trọng, mang tính ưu tiên cao thuộc Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Kế hoạch này gồm 08 mục đích chiến lược được xây dựng trên cơ sở đánh giá nhu cầu, các hoạt động thuộc Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và cam kết của KTNN với IDI-ASOSAI về việc thực hiện tuân thủ ISSAI, bao gồm: Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ và số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa; Tăng cường năng lực của KTNN trong việc áp dụng thực hiện ISSAI; Nâng cao năng lực của KTNN trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán; Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công; Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của KTNN.



Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh: Trong giai đoạn phát triển mới với một vị thế mới đã được hiến định trong Hiến pháp sửa đổi, KTNN nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 (KHCL) và việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi KHCL có ý nghĩa to lớn không chỉ trong nội bộ KTNN mà còn với các cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức quốc tế và toàn xã hội nói chung. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, sự chủ động sáng tạo tìm tòi các giải pháp hữu hiệu trong triển khai thực hiện KHCL của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức quốc tế giúp đỡ KTNN thực hiện thành công chiến lược của mình.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi xung quanh những nội dung chính của KHCL 2013 – 2017; xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, các mục đích, mục tiêu, hoạt động chính của KHCL. Nội dung tham luận và các ý kiến trao đổi đã tập trung phân tích, đề xuất nhiều giải pháp có tính hệ thống, toàn diện, cụ thể, khả thi để thực hiện thành công KHCL.

Các giải pháp trọng tâm nhận được sự đồng thuận, tán thành của đa số đại biểu gồm:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về KTNN và hoạt động KTNN trong nội bộ ngành KTNN và các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và toàn xã hội để toàn thể cán bộ công chức viên chức và người lao động KTNN nhận thức, ý thức rõ trách nhiệm trong vấn đề thực hiện KHCL. Đông thời tranh thủ sự ủng hộ hỗ trợ về nguồn lực từ bên ngoài đối với các hoạt động của KTNN.

Hai là, cần rà soát thường xuyên các mục tiêu, nội dung hoạt động theo KHCL đặt ra; xác định các ưu tiên phù hợp với nguồn lực.

Ba là, linh hoạt đa dạng phương thức tổ chức thực hiện các hoạt động sao cho hiệu quả, hiệu lực nhất như có thể thành lập các Ban chỉ đạo, các Ban thực hiên chuyên môn theo những nội dung hoạt động lớn chứ không chỉ giao đầu mối cho đơn vị chủ trì.

Bốn là, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động trong KHCL, đặc biệt quan tâm đánh giá các chỉ số đo lường, tiến độ, chất lượng và có thể đề xuất điều chỉnh nội dung KHCL, tiến độ, chỉ số đo lường cho phù hợp thực tiễn.

Năm là, kế hoạch thực hiện chiến lược cần được đưa vào kế hoạch công tác năm của ngành và của mỗi đơn vị. Theo đó nội dung kế hoạch công tác năm sẽ phải bao quát được các hoạt động thực hiện KHCL.

Sáu là, tổ chức phổ biến, quán triệt KHCL;  tổ chức đào tạo, tập huấn, tọa đàm các nội dung KHCL thuộc về chuyên môn như chuẩn mực, phương pháp kiểm toán, kiểm toán hoạt động…

Bảy là, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm cho các đơn vị đầu mối, đơn vị tham mưu và các đơn vị chủ trì các nội dung trọng tâm chiến lược; Chú ý năng lực, kỹ năng, đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên; Có giải pháp tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo chất lượng.
Tám là, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động từ hoạt động hành chính, quản trị, quản lý, giao ban, kiểm tra, giám sát cho đến hoạt động chuyên môn kiểm toán.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất giải pháp nâng cao vai trò, vị thế của KTNN thông qua việc cụ thể hóa trong Luật KTNN sửa đổi về phạm vi đối tượng kiểm toán, vấn đề phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thuộc Quốc hội, các cơ quan liên quan; vấn đề sử dụng kết quả kiểm toán một cách hiệu quả, hiệu lực góp phần nâng cao giá trị, lợi ích của KTNN đối với xã hội, công chúng./.

Hà Linh

Xem thêm »