Bế mạc phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

17/07/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sau ba ngày làm việc, sáng 16/7, phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.


Tại buổi làm việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII và một số nội dung cơ bản định hướng việc xây dựng dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.
 
Kỳ họp thứ 7 tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân
 
Về cơ bản, các ý kiến nhất trí với báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7 và cho rằng kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã tác động không nhỏ đến nội dung của chương trình nghị sự.
 
Trong gần 28 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, với sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, tinh thần đoàn kết, dân chủ, hợp tác và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, quyết tâm, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
 
Quốc hội đã xem xét, thảo luận thấu đáo, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết khác. Đây là các văn bản pháp luật rất quan trọng, góp phần triển khai thi hành Hiến pháp, phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nền hành chính lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.
 
Tuy nhiên, đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy kỳ họp vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm như một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu chưa được chuẩn bị kỹ; một số dự án luật quan trọng, còn ý kiến khác nhau chưa bố trí thời gian thỏa đáng để Quốc hội thảo luận. Vẫn còn tình trạng chất lượng, tiến độ chuẩn bị của một số nội dung không bảo đảm nên phải rút ra khỏi chương trình kỳ họp. Việc chuẩn bị, gửi tài liệu của nhiều nội dung trước kỳ họp chưa bảo đảm tiến độ. Một số ý kiến thảo luận trùng lắp, dàn trải, chưa bám sát nội dung trọng tâm. Một số câu trả lời chất vấn vẫn còn dài; chưa giải đáp thỏa đáng vấn đề được chất vấn.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết qua tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, cử tri đánh giá cao bản lĩnh của Quốc hội về vấn đề Biển Đông, thể hiện rõ nét qua bài khai mạc và bế mạc của Chủ tịch Quốc hội, Công thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội gửi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại nghị viện các nước.
 
Cử tri tin tưởng, đồng tình với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đấu tranh hòa bình trên Biển Đông và việc Quốc hội quyết định dành ngân sách bổ sung 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và ngư dân vươn khơi. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về 4 vấn đề, đó là tình hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm, bảo hiểm y tế và tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế, đào tạo sinh viên và bố trí việc làm, việc xử phạt liên quan tới đội mũ bảo hiểm giả.
 
Dự án luật trình Kỳ họp thứ 8 nhiều nhất từ trước đến nay
 
Cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định công tác xây dựng luật tại kỳ họp này khá nặng, vì năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa quy định của Hiến pháp vào cuộc sống được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
 
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến kỳ họp thứ 8 sẽ kéo dài 35 ngày với số lượng dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến là 30 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết; trong đó, xem xét, thông qua 17 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 13 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết.
 
Quốc hội khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 29/11, làm việc 5/7 ngày thứ bảy để kỳ họp không kéo dài sang tháng 12/2014. Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật nhiều nhất từ trước đến nay.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng khối lượng công việc ngày càng nhiều trong khi thời gian không thể kéo quá dài, nếu chất lượng các dự án Luật được chuẩn bị chu đáo, việc xem xét, cho ý kiến, thông qua sẽ nhanh. Ngược lại, nếu các cơ quan, tổ chức hữu quan làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu nghiêm túc, khẩn trương, sẽ không bảo đảm được nội dung, chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết, sẽ chậm tiến độ.
 
Để Quốc hội đảm bảo chất lượng, nội dung kỳ họp, ngay từ khâu đầu tiên, ban soạn thảo các bộ ngành phải có trách nhiệm với từng dự án Luật. Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc phân bổ thời lượng cho các dự án Luật không nên bình quân, phải căn cứ vào sự chuẩn bị và tầm quan trọng của dự án Luật để phân bổ, tránh cái thiếu, cái thừa, cân nhắc thời lượng cho từng dự án luật.
 
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các dự án Luật quan trọng, có nhiều ý kiến khác nhau, cần điều chỉnh chương trình làm việc, tập trung thảo luận thêm. Cùng với đó, cải tiến việc biểu quyết trong kỳ họp, không nên quy định cứng đại biểu chỉ được phát biểu 3 phút khi còn thời gian, nên để đại biểu phát biểu lần 2.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đều cho rằng để nâng cao chất lượng kỳ họp, từng khâu phải hoàn thiện, cải tiến từ thảo luận, cho ý kiến đến biểu quyết thông qua.
 
Nêu thực tế có dự án Luật đã được trình Quốc hội lần thứ hai nhưng vẫn có ý kiến đề nghị xem xét có cần thiết phải ban hành Luật hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng với dự án luật cho ý kiến lần đầu, cần để đại biểu phát biểu hết các nội dung, từ sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh cho đến các nội dung của Luật. Khi dự án Luật đã được tiếp thu chỉnh lý, xem xét thông qua, không đặt lại những vấn đề này nữa để tránh mất thời gian. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị kể cả dự án Luật cho ý kiến lần đầu hay dự án Luật được thông qua, đều phải gợi ý những vấn đề cần tập trung thảo luận, cho ý kiến.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị tại Hội trường chỉ nên đọc tờ trình và báo cáo thẩm tra rút gọn; cần nâng cao trách nhiệm ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra, để tránh việc một dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thảo luận ít nhất 4 lần, rất mất thời gian. Cần cải tiến theo hướng một dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét lần đầu trình Quốc hội và lần thứ 2 trước khi thông qua.
 
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi lại cho rằng nên xem xét rút ngắn ở mức độ nào, quan trọng là phải đảm bảo chất lượng, không nên vì rút thời gian mà ảnh hưởng đến chất lượng tờ trình. Cũng theo ông Đào Trọng Thi, nên nhìn nhận lại báo cáo rút gọn và các báo cáo đó theo hướng nói rõ những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau.
 
Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về việc tăng cường trách nhiệm tham gia của đại biểu chuyên trách, tổ chức Hội nghị đại biểu chuyên trách gắn với việc thảo luận Luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần triệu tập các đại biểu chuyên trách tham gia các phiên họp giải trình tiếp thu các dự án Luật của các Ủy ban và Hội đồng dân tộc; tham gia Hội nghị đại biểu chuyên trách bởi Hội nghị là cầu nối quan trọng đến kỳ họp chung của Quốc hội. Theo ông Phan Trung Lý, với 17 dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, từ nay đến tháng 10 các Ủy ban cần họp với đại biểu chuyên trách cho ý kiến để giảm tải cho Hội nghị đại biểu chuyên trách.
 
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan liên quan khắc phục các hạn chế của kỳ họp thứ 7, tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp thứ 8, chuẩn bị kỹ các nội dung, chương trình kỳ họp. Theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quán triệt tinh thần thực thi Hiến pháp trong quá trình xây dựng pháp luật./.

Theo na.gov.vn

Xem thêm »