Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì
Về phía KTNN có ông Nguyễn Hữu Vạn, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Các ông: Vương Hữu Nhơn, Đỗ Bình Dương, Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng – Nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước; Các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN, BCH Công đoàn, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên KTNN, các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và đại diện cán bộ công chức viên chức người lao động KTNN.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đọc diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm
Trong diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã nêu bật những thành tích của KTNN qua chặng đường 20 năm phát triển trên tất cả các mặt công tác: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động KTNN; Hoàn thiện bộ máy tổ chức và phát triển nguồn nhân lực; Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; Công tác nghiên cứu khoa học; Quan hệ, hợp tác quốc tế; Hoạt động của hệ thống chính trị, đoàn thể. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu lên các bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức và hoạt động của KTNN; đồng thời đưa ra các định hướng, giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2020.
“Hai mươi năm cho một chặng đường phát triển không phải là dài, nhưng với KTNN từ một tổ chức không có tiền thân, đến nay đã trở thành một thể chế được hiến định trong Hiến pháp thực sự là một chặng đường phát triển vẻ vang của KTNN”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh.
Trong 20 năm qua, KTNN đã không ngừng củng cố, xây dựng và trưởng thành, ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó có Hiến định “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình 20 năm xây dựng và phát triển của KTNN, thể hiện vị thế, vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm toán ngày càng được nâng cao.
Với khuôn khổ pháp lý dần hoàn thiện, năng lực được tăng cường, nhất là sau khi có Luật KTNN và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, hoạt động KTNN ngày càng được mở rộng, quy mô hoạt động kiểm toán đều tăng dần qua từng năm, đa dạng về loại hình và phương thức kiểm toán, tiến bộ về chất lượng kiểm toán và hiệu quả kiểm toán.
Song song với các cuộc kiểm toán tiến hành theo kế hoạch, KTNN còn thực hiện các cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ; Kiểm toán chung với một số nước, kiểm toán theo đề nghị của nhà tài trợ, đề nghị của các bộ, ngành, địa phương. Từ năm 2007, KTNN đã thực hiện kiểm toán báo cáo Quyết toán NSNN nhằm xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn Quyết toán NSNN hàng năm. Trong hoạt động kiểm toán, KTNN đã tiến hành đồng thời 03 loại hình kiểm toán, trong đó thời gian đầu tập trung kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, đến nay, tỷ trọng loại hình kiểm toán hoạt động đang dần được nâng lên trong kế hoạch kiểm toán hàng năm.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ trong suốt chặng đường 20 năm và đặc biệt là thời gian 5 năm gần đây, KTNN đã bám sát và tổ chức thực hiện quyết liệt các mục tiêu, định hướng, giải pháp trong Chiến lược phát triển KTNN, do vậy chất lượng và hiệu quả kiểm toán đã tiến bộ rất rõ nét. Việc cung cấp báo cáo kiểm toán, công bố công khai kết quả kiểm toán được thực hiện đúng quy định của pháp luật đã góp phần tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công.
Trong 20 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 147.580 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 29.148 tỷ đồng, giảm chi NSNN 22.365 tỷ đồng. Tính riêng 5 năm gần đây, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 91.168 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong kể từ năm 1994 - 2014, trong đó tăng thu NSNN 14.290 tỷ đồng, giảm chi NSNN 14.527 tỷ đồng. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, hoặc hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung 206 văn bản, kiến nghị hủy bỏ 134 văn bản. Ngoài ra, KTNN còn đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật NSNN 1996, 2002, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là những đóng góp thiết thực của KTNN với chức năng tư vấn của cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước.
Để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao trong giai đoạn 5 năm tới cũng như định hướng lâu dài, KTNN hết sức coi trọng phát triển bền vững về chất lượng theo Chiến lược phát triển đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là: "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”. Đồng thời, giá trị cốt lõi của KTNN được xác định là: Minh bạch - chất lượng - hiệu quả - không ngừng gia tăng giá trị.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gắn Huân chương Độc lập hạng Nhì lên lá cờ Truyền thống của KTNN
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trên chặng đường xây dựng và phát triển của tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Kiểm toán Nhà nước trong 20 năm qua.
“Trong những năm qua, thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho Quốc hội trong quá trình xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, quyết định dự toán ngân sách nhà nước; phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội; cung cấp thông tin có tính chuyên môn cao giúp Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giúp các Bộ, ngành cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ rõ, các kết luận và kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành thấy rõ những bất cập trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cũng như những thiếu sót cần khắc phục trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để có giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập lại các trật tự, kỷ cương trong sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công, phát hiện và ngăn chặn những thất thoát, lãng phí trong chi tiêu Ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng....
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, KTNN đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Công đoàn KTNN được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Ông Lê Minh Khái, Phó Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu, nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; ông Nguyễn Thanh Liêm – Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành II; ông Đặng Quang Trung – Phó Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực IV; ông Nguyễn Cao Nguyên – Phó Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực IV, ông Hoàng Bổng – Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực XIII được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Ông Nguyễn Quang Thành – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; ông Trịnh Mạnh Hoán – Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành Ia; ông Vũ Khánh Toàn – Phó Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực I và KTNN Chuyên ngành VI được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba./.
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm:
Công đoàn KTNN nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho các cá nhân và tập thể cấp Vụ của KTNN