(kiemtoannn.gov.vn) – Chiều 6/6/2014, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp hoạt động với Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc hội khóa XIII.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị về phía KTNN có Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, các đồng chí lãnh đạo KTNN và lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc KTNN. Về phía Ủy ban TCNS có Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển, các đồng chí lãnh đạo và Ủy viên thường trực Ủy ban TCNS, lãnh đạo và chuyên viên Vụ TCNS, Văn phòng Quốc hội.
Theo Báo cáo đánh giá kết quả phối hợp hoạt động giữa Ủy ban TCNS của Quốc hội và KTNN, từ năm 2009 đến nay, hai cơ quan đã có sự phối hợp chặt chẽ ở phần lớn các nội dung được ký kết. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, Ủy ban TCNS và KTNN đã tạo điều kiện cho nhau thực hiện các hoạt động phối hợp trên tinh thần chủ động, bảo đảm trình tự, thủ tục, chương trình, kế hoạch làm việc được quy định tại QCPH, góp phần nâng cao hiệu quả và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan.
Trong những năm qua, Ủy ban TCNS và KTNN đã phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị nội dung kế hoạch kiểm toán hàng năm. Trên cơ sở dự kiến của KTNN, thường trực Ủy ban TCNS, Ủy ban TCNS đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng với KTNN từ nguyên tắc, định hướng đến dự kiến từng đối tượng được kiểm toán, góp phần xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm phù hợp với yêu cầu quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước và đòi hỏi của cử tri cả nước trong mỗi giai đoạn, phục vụ thiết thực hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội nói chung và hoạt động thẩm tra, giám sát của Ủy ban TCNS nói riêng về tài chính, ngân sách được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng thuận và đánh giá cao.
Thực hiện QCPH, Ủy ban TCNS đã mời KTNN tham gia đầy đủ các phiên họp thẩm tra về đánh giá tình hình thực hiện NSNN, dự toán. Tại các phiên họp, đại diện KTNN đã trình bày ý kiến, cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp Ủy ban TCNS xem xét, thảo luận các nội dung về đánh giá tình hình thực hiện và dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW, bố trí ngân sách cho dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định.
Hàng năm, KTNN đều gửi Ủy ban TCNS các Báo cáo kết quả kiểm toán ngay sau khi kết thúc những cuộc kiểm toán, qua đó giúp Ủy ban TCNS có điều kiện xem xét, đánh giá tổng thể về tình hình quyết toán NSNN từng năm, phục vụ cho quá trình thẩm tra quyết toán NSNN. Sau khi kiểm toán quyết toán NSNN, KTNN gửi dự thảo Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN để Ủy ban TCNS tham gia ý kiến, góp phần nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán, phản ánh đầy đủ thông tin cần thiết cho Ủy ban TCNS, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội thảo luận, thẩm tra và phê chuẩn quyết toán NSNN.
Hai bên cũng đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức công bố công khai kế hoạch kiểm toán, kết quả kiểm toán hàng năm và một số cuộc kiểm toán có phạm vi rộng, ảnh hưởng lớn. Đại diện KTNN đã tham gia đoàn giám sát việc thực hiện Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết và ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính-ngân sách, giám sát việc chấp hành dự toán NSNN và chính sách tài chính do Ủy ban TCNS tổ chức.
Ngoài ra, hai bên tham gia tích cực vào việc tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật KTNN, phối hợp soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN, các văn bản liên quan đến tổ chức, hoạt động của KTNN...
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban TCNS bày tỏ nhất trí cao với những kết quả mà hai bên đạt được qua hoạt động phối hợp trong lĩnh vực giám sát tài chính, ngân sách. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh một số hạn chế tồn tại trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa KTNN và Ủy ban TCNS. Đáng chú ý là việc tham gia của KTNN vào hoạt động giám sát, thẩm tra của Ủy ban TCNS đôi khi còn bị động, chưa đủ thời gian, tài liệu và nhân lực để nghiên cứu và chuẩn bị ý kiến, chưa thực sự thảo luận một cách sâu sắc, chất lượng tham gia ý kiến còn hạn chế. Ủy ban TCNS cũng chưa đưa ra những yêu cầu cụ thể xuất phát từ nhiệm vụ hàng năm để KTNN có thể chủ động xem xét lựa chọn đưa vào kế hoạch kiểm toán năm phục vụ hoạt động giám sát. Việc chuẩn bị tài liệu cho các phiên họp của Ủy ban TCNS còn bị động. Một số nội dung quy định trong QCPH chưa triển khai thực hiện như việc phối hợp trong kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; hàng năm hai bên chưa trao đổi đánh giá hoạt động và thông báo về chương trình phối hợp cụ thể…
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn khẳng định việc thực hiện QCPH công tác giữa KTNN và Ủy ban TCNS trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tạo điều kiện cho KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói chung và của Ủy ban TCNS nói riêng. Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại kì họp thứ 6, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp sửa đổi, trong đó hiến định địa vị pháp lý của KTNN. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của ngành KTNN cho thấy vai trò, vị thế nhất định của KTNN đối với đất nước. Đây vừa là niềm vinh dự vừa là trọng trách to lớn mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành KTNN, đòi hỏi KTNN cần cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng của đất nước.
Nhìn lại chặng đường 20 năm, đặc biệt là từ khi Luật KTNN có hiệu lực, bên cạnh những kết quả được Đảng, Quốc hội ghi nhận, KTNN vẫn còn một số yêu cầu cần đặt ra đó là 8 mục tiêu của Kế hoạch Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017: Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN Việt Nam; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa; Tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc áp dụng thực hiện chuẩn mực quốc tế (ISSAIs); Tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán; Nâng cao chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán; Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công; Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN.
Trong suốt thời gian qua, KTNN luôn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ chặt chẽ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong đó có Ủy ban TCNS. Thực hiện 8 mục tiêu này, hướng đến xây dựng KTNN ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, KTNN mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn nữa của Ủy ban TCNS. KTNN đề nghị hai cơ quan tổ chức gặp gỡ định kì mỗi năm một lần, trong đó sẽ đề cập đến các giải pháp để nâng cao hiệu quả phối hợp, tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp trong lĩnh vực giám sát tài chính, ngân sách.