Khắc phục bất cập trong thu chi NSNN: Cần quyết liệt và mạnh mẽ hơn!

03/06/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán)


                              

Trước những bất cập trong thu chi ngân sách cùng với việc thực hiện các kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN còn thấp (thể hiện trong Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2012, Báo cáo thẩm tra Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2012 vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7), trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để kịp thời khắc phục và hạn chế sai phạm trong thực thi pháp luật.
 
Thưa ông, Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2012 vừa được Chính phủ trình Quốc hội (QH) đã khiến nhiều đại biểu tỏ ra quan ngại về sự bền vững của NSNN. Xin ông vui lòng phân tích sâu hơn vấn đề này?

- Kết quả thu ngân sách mà chúng ta đưa ra bao gồm tất cả các khoản liên quan đến các lĩnh vực thu nhưng thực tế các khoản truy thu và chi chỉ là thu tại chỗ, chi tại chỗ, không giúp gì trong việc cân đối NSNN; điều quan trọng là chúng ta phải tính đến các khoản thu để cân đối ngân sách. Năm 2012, khoản chi quan trọng là chi hoàn thuế, mà nguyên tắc của hoàn thuế là khi thu thuế Giá trị gia tăng (GTGT) thì sau khi trừ phần hoàn thuế GTGT mới nộp vào NSNN. Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN năm 2012 đạt 754.572 tỷ đồng, tăng 1,9% so với dự toán được QH quyết định, trong đó thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 127.093 tỷ đồng, đạt 82,6% dự toán. Tuy nhiên, thực tế số phát sinh về hoàn thuế GTGT là 89.689 tỷ đồng trong khi Chính phủ mới đưa vào quyết toán số hoàn thuế GTGT là 70.000 tỷ đồng, thấp hơn số thực tế phát sinh 19.689 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính đủ số hoàn thuế GTGT phát sinh thực tế thì thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2012 là 107.404 tỷ đồng và tổng thu cân đối NSNN năm 2012 là 734.883 tỷ đồng, bằng 99,2% dự toán được QH quyết định (dự toán thu NSNN năm 2012 là 740.500 tỷ đồng).
 
Mặt khác, do chúng ta thực hiện thu thuế theo lộ trình “khoan thư sức dân” bằng cách gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn giảm nhiều loại thuế nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư; cộng thêm tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong năm đó hết sức khó khăn dẫn đến nhiều khoản thu đạt tỉ lệ thấp so với dự toán. Cùng với đó, trong cơ cấu các nguồn thu NSNN năm 2012, số tăng thu chủ yếu là từ dầu thô và đất đai, đồng thời các khoản thu này cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu NSNN, thể hiện tính thiếu ổn định, bền vững của nguồn thu.
 
Trước tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế trong năm 2012 còn lớn, Uỷ ban TC-NS của QH đề nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để khắc phục bất cập này. Xin ông cho biết những giải pháp cụ thể?
 
- Qua kết quả giám sát, kiểm toán của KTNN cho thấy nhiều DN, đơn vị được kiểm toán có biểu hiện kê khai thuế không đầy đủ, trốn lậu thuế…, số lượng này không phải ít; chưa kể tình trạng chuyển giá của các DN FDI lớn nhằm trốn thuế nhưng chúng ta chưa có biện pháp khắc phục mặc dù đã tăng cường thanh tra, kiểm tra. Tình trạng trốn lậu thuế rất phức tạp, có phần nghiêm trọng, đặc biệt là nợ đọng thuế năm 2012 tăng vọt lên (8,38%), gây thất thu cho NSNN.
 
Những bất cập trên đòi hỏi Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong thời gian tới. Cụ thể, tạo điều kiện cho các DN để các DN không coi thuế là gánh nặng mà là nghĩa vụ, DN đóng thuế trên cơ sở DN và Nhà nước đều có lợi mang tính chất xuyên suốt, lâu dài; tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán và các hoạt động giám sát khác. Khi phát hiện ra sai phạm phải xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật mới đủ sức răn đe.
 
Hoạt động kiểm toán góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu  quả, hiệu lực quản lý NSNN. Vậy theo ông, dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) tới đây có nên trao cho KTNN một chế tài cần thiết để họ có thể xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình kiểm toán?
 
- Đó là một hướng mà chúng ta nên nghiên cứu, xem xét bởi thực tế trên thế giới, đã có nhiều nước trao cho cơ quan KTNN quyền hạn lớn. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi một chế tài cần thiết cho hoạt động kiểm toán, KTNN vẫn phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật KTNN hiện hành, khi phát hiện ra sai phạm, phải công khai chỉ rõ sai phạm, trường hợp nghiêm trọng có thể chuyển sang cơ quan điều tra xử lý. Đồng thời, Chính phủ cũng cần lưu ý tăng cường chỉ đạo, có chế tài bắt buộc tất cả các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN.
 
Kết quả thực hiện kiến nghị tài chính của các đơn vị được kiểm toán đối với niên độ ngân sách 2011 tính đến 31/12/2013 chỉ đạt 65%, thấp hơn cả năm 2009 và 2010. Theo ông, đâu là nguyên nhân và giải pháp để khắc phục thực trạng này?
 
- Trước hết phải thấy rằng, qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2012, KTNN đã kiến nghị tăng thu 4.047 tỷ đồng, giảm chi 5.099,4 tỷ đồng, nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách  phát hiện tăng thêm 2.623,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 72 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước…Đây là sự nỗ lực của KTNN, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
 
Tuy nhiên, kết quả thực hiện kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán niên độ ngân sách 2011 tính đến ngày 31/12/2013 chỉ đạt 65% tổng số kiến nghị xử lý về tài chính trong khi nhiều năm trước đều đạt 70 - 75%. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân. Trước hết có thể số lượng phát hiện của KTNN ở mức cao hơn. Hai là, phát hiện kiểm toán bao giờ cũng có độ trễ, tức là khi KTNN phát hiện sai phạm phải có thời gian để thu hồi, xử lý. Ba là, ý thức chấp hành của các đơn vị được kiểm toán chưa nghiêm vì thiếu chế tài. Bốn là, về cơ bản, chất lượng kiểm toán là tốt nhưng kết luận, kiến nghị của KTNN trong một số trường hợp còn có ý kiến khác nhau, chưa được sự đồng thuận cao của đối tượng được kiểm toán. Sau cùng, hệ thống pháp luật chưa thực sự phù hợp nên kết quả thực hiện các kiến nghị kiểm toán chưa cao.
 
Để nâng cao việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán thì trước hết, KTNN phải xây dựng được kế hoạch kiểm toán rõ ràng, công khai, minh bạch, chủ động, không gây khó khăn cho đối tượng được kiểm toán, phù hợp với khả năng kiểm toán, đi vào vấn đề quan trọng nhất nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán để đối tượng được kiểm toán “tâm phục, khẩu phục”. Bên cạnh đó, chúng ta phải có chế tài bắt buộc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán trong thời gian nhất định đối với các đơn vị được kiểm toán, chỉ như vậy mới có thể nâng cao việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
 
Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Kiểm toán số 22/2014

Xem thêm »