Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014: Những ràng buộc đối với tăng trưởng

30/05/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 29/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014: Những ràng buộc đối với tăng trưởng.


Báo cáo tập trung đánh giá và nhận định về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013 và phân tích về những vấn đề chuyên sâu về những ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Từ những ràng buộc chính được phát hiện, Báo cáo tập trung phân tích sâu một số ràng buộc chính đối với nền kinh tế, bao gồm khía cạnh tài chính được tiếp cận thông qua việc đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bằng bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSIs); những thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sắp tới; ràng buộc về mặt năng lượng thông qua sự lựa chọn chính sách năng lượng của Việt Nam. Cuối cùng, Báo cáo đưa ra những nhận định chung về viễn cảnh kinh tế năm 2014 và gợi ý các nhóm chính sách phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế đi liền với sự ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Đánh giá về tình hình kinh tế năm qua, nhóm tác giả báo cáo nhận định môi trường vĩ mô ổn định đang xúc tiến các hoạt động kinh tế quay trở lại. Tăng trưởng GDP đạt mức 5,42%, nhích nhẹ so với 2012, còn lạm phát tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất 13 năm, đạt 6,04%. Tuy nhiên, sự phục hồi còn rất mong manh bởi gốc rễ của sự phục hồi, sâu xa hơn là năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc khi khối doanh nghiệp trong nước tỏ ra yếu đuối và tụt hậu, chưa tìm được hướng đi và thị trường. Doanh thu bán lẻ tăng 5,6%, còn tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm còn 30,4% GDP - đều là mức thấp trong nhiều năm trở lại.
 
Báo cáo cho biết, các điểm tắc nghẽn mấu chốt của nền kinh tế thời gian qua là tiến độ thực thi các chính sách tái cấu trúc còn chậm chạp, nhiều nội dung chưa sát với thị trường, bám vào các công cụ hành chính. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh kém thân thiện còn hạn chế đầu tư, kéo dài trì trệ và gây cản trở đến quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu và thay đổi mô hình tăng trưởng. Việt Nam cần tháo gỡ những ràng buộc tăng trưởng bao gồm bất ổn kinh tế vĩ mô, sự xói mòn niềm tin của các chủ thể kinh tế vào tương lai, yếu kém hiệu quả của các trung gian tài chính và đội ngũ lao động. Chương trình tái cơ cấu kinh tế cần tiếp tục thực hiện theo lộ trình để không bỏ lỡ cơ hội cải cách.
 
Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2014, VEPR cho biết, tăng trưởng 2014 ở mức 4,88%, thấp hơn mức tăng trưởng thực tế của năm 2013 và cũng như mục tiêu QH đề ra là 5,8%. Lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp, chỉ 4,76 - 5,51%. Thời gian tới, ổn định vĩ mô vẫn phải là tiền đề vững chắc cho các chính sách. Báo cáo đề xuất, cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn. Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh, những nền tảng để nâng sức cạnh tranh; thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong trung và dài hạn thông qua quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu hơn...
 
Báo cáo được xây dựng nhằm góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam, trên cơ sở tổng kết và phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu.
 
Tự Cường - daibieunhandan

Xem thêm »