Đại biểu Quốc hội tán thành bắt buộc mua bảo hiểm y tế

22/05/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 22/5/2014, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển Nội dung 1, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển Nội dung 2 của Phiên họp.

<br>
Nội dung 1: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
    
Nội dung 2: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
 
Đa số ý kiến đề nghị giữ tên Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và tên quỹ là Quỹ BHYT.
 
Đối với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, nhiều ý kiến đề nghị quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc thay vì "có trách nhiệm tham gia" như hiện nay để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Có ý kiến cho rằng, trước khi bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm y tế thì việc cần làm trước hết là bắt buộc phải khắc phục sớm chất lượng khám chữa bệnh, quá tải tại các bệnh viện. Khi chất lượng các bệnh viện tuyến dưới đáp ứng được yêu cầu thì người bệnh sẽ không vượt tuyến. Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an tham gia BHYT trong dự thảo Luật.
 
Về phân bổ sử dụng quỹ BHYT, nhiều ý kiến cho rằng trên cơ sở kiến nghị của Báo cáo kết quả giám sát về BHYT tại kỳ họp thứ 6 về việc tăng chi cho hoạt động tuyên truyền để mở rộng BHYT, đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể việc phân bổ và sử dụng quỹ BHYT cho các hoạt động của BHYT, như tuyên truyền, quản lý, phát triển BHYT mở rộng mạng lưới bao phủ để tiến tới BHYT toàn dân, vì từ nay đến năm 2020 sẽ là giai đoạn tập trung để mở rộng diện bao phủ của BHYT; một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể phân bổ cho quỹ KCB là 90%, 92% hoặc 95% và phân bổ cho quỹ dự phòng là 4%, 5% hoặc 6%.
 
Về thẻ BHYT, có ý kiến đề nghị cần quy định thẻ BHYT thống nhất với Luật hộ tịch, Luật căn cước công dân về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)./.
 
K.Vy

Xem thêm »