Trong thời gian qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị trực thuộc, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành. Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số công chức, kiểm toán viên chưa nghiêm; chấp hành chưa tốt các chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Quy chế làm việc của Kiểm toán Nhà nước, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, tạo bước chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Kiểm toán Nhà nước, ngày 21/5/2014 Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Chỉ thị số 954/CT-KTNN yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức học tập và quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 53-CT/BTV ngày 13/5/2014 của Ban Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước về nâng cao chất lượng hoạt động của Chi bộ đảng sinh hoạt tạm thời đối với Đoàn kiểm toán; Quyết định số 01/2014/QĐ-KTNN ngày 07/5/2014 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc ban hành Chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 30 Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục tăng cường quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 14/KL-BCS ngày 11/02/2010 của Ban Cán sự Đảng KTNN về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên nhà nước trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Chỉ thị số 1618/CT-KTNN ngày 17/10/2011 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ và nâng cao chất lượng kiểm toán; Chỉ thị số 15/CT-KTNN ngày 09/01/2014 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước; chấp hành nghiêm các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Cán bộ, công chức, Quy định về quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước, các quy định khác của ngành và các văn bản pháp luật có liên quan đến kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hoá công sở, đạo đức công vụ... gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
2. Đề cao vai trò và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với công chức, kiểm toán viên, viên chức và người lao động vi phạm; chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý công chức, viên chức và người lao động của đơn vị mình trước Tổng Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là công chức, kiểm toán viên trong thời gian thực hiện các cuộc kiểm toán, đồng thời chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm.
3. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có các hành vi đánh bạc dưới mọi hình thức tại cơ quan, công sở, nơi cư trú, nơi đi công tác ... Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với công chức, viên chức và người lao động có hành vi đánh bạc hoặc vi phạm liên quan đến các tệ nạn xã hội khác. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải thực hiện nghiêm chỉnh nếp sống văn minh, văn hóa công sở, sinh hoạt lành mạnh, giản dị; ứng xử, giao tiếp lịch sự, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, không gây ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và uy tín của ngành Kiểm toán Nhà nước.
4. Các cấp ủy tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức chấp hành nội quy, kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, những việc cán bộ, công chức không được làm theo quy định của pháp luật; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
5. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động công vụ, nhất là trong hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán trong phạm vi toàn ngành và trong mỗi đơn vị. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra cũng cần tập trung vào việc thực hiện nội quy kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử, lối sống sinh hoạt, đạo đức … của công chức, kiểm toán viên trong thời gian thực hiện kiểm toán; kịp thời phát hiện, khen thưởng, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Mọi dư luận, thông tin phản ánh về thái độ làm việc, ứng xử và các biểu hiện tiêu cực trong thi hành công vụ phải được xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị đến từng công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, Tổng Kiểm toán Nhà nước giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị, các Đoàn kiểm toán, các công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ sáu tháng, hàng năm, tổng hợp báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước về tình hình, kết quả thực hiện./.