(kiemtoannn.gov.vn) - 9h sáng ngày 20-5-2014, Kỳ họp thứ VII, Quốc hội khoá XIII nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Đoàn Chủ tịch phiên khai mạc gồm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (điều khiển phiên họp); các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn. Đoàn thư ký gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Giàu, Nguyễn Hạnh Phúc và Triệu Thị Nái. Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã tham dự khai mạc Kỳ họp. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 28 ngày, kết thúc vào ngày 24/6/2014.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp
Phát biểu khai mạc Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận định, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi song tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, những yếu kém của nền kinh tế chậm khắc phục... Chính phủ cần nhiều giải pháp đồng bộ để kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, sử dụng hợp lý nguồn lực của đất nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với sự hộ tống của cả tàu chiến và máy bay quân sự, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về luật biển, Tuyên bố về ứng xử các bên trên biển Đông, bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai nhà nước Việt nam, Trung Quốc. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa, đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Cùng ngày, Quốc hội sẽ họp kín, nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông; việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương (HD-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; những chủ trương và giải pháp của Việt Nam với vấn đề biển Đông, một số nội dung báo cáo có thể được Quốc hội công bố.
Trong buổi sáng ngày 20/5/2015, Quốc hội đã nghe:
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe:
Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Trong Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật và ba Nghị quyết; cho ý kiến 16 dự án Luật và dành hai ngày rưỡi để chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ từ 10/6 đến 12/6/2014.
Được biết, Quốc hội sẽ dành gần 20 ngày để làm công tác xây dựng pháp luật; tiêu biểu là Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Đầu tư công; Luật Phá sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn… Văn phòng QH cũng đã thống nhất bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, những tháng đầu năm 2014, bàn phương hướng nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2014./.
Khánh Vy