(daibieunhandan.vn) - Dự kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tới, QH sẽ xem xét, cho ý kiến các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đây là những dự án luật liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư được xem xét sửa đổi và xây dựng mới ngay sau khi thông qua Hiến pháp mới. Tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy tới, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, một trong những yêu cầu đầu tiên cần bảo đảm của các dự án luật này là phù hợp với các nội dung hiến định về các thành phần kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, được QH thông qua năm 2005, sau hơn 8 năm thi hành đã bộc lộ khá nhiều vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế. Một trong những vướng mắc đó là công tác quản lý và giám sát việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước của doanh nghiệp mới chỉ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Đây là nguyên nhân làm phức tạp hóa và tăng các khoản chi trên mức cần thiết đối với việc gia nhập thị trường, thiết lập hoạt động kinh doanh và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp. Và hơn hết, nhiều quy định của hai đạo luật này không còn tương thích với một số quy định có liên quan trong Hiến pháp mới.
Những quy định không còn phù hợp với thực tế này đã ít nhiều làm cho công tác quản trị doanh nghiệp trở nên kém linh hoạt, tăng thêm chi phí tuân thủ, làm chậm quá trình ra quyết định của doanh nghiệp. Luật Đầu tư hiện hành tuy cơ bản bảo đảm chức năng như một luật khung, điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực, nhưng thời gian qua một số luật có phạm vi điều chỉnh liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh được ban hành mới hoặc sửa đổi như Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... đã và đang gây nên tình trạng thiếu thống nhất trong cách hiểu, áp dụng hệ thống pháp luật chung cho quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt phải kể đến các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, thủ tục đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư... Thực tế cho thấy các lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đối tượng ưu đãi đầu tư, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện chưa được quy định thống nhất, chưa bảo đảm tính minh bạch giữa các luật chuyên ngành, chưa phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta tham gia gần đây. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động giám sát của Nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp giảm. Các quy định điều chỉnh những nội dung liên quan đến doanh nghiệp nhà nước chưa được luật hóa kể từ thời điểm Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 hết hiệu lực. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp năm 2005 chỉ tập trung điều chỉnh việc thành lập, mô hình tổ chức của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, mà chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù của doanh nghiệp nhà nước như việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản; phân công, phân cấp thực hiện các quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước...
Những hạn chế nêu trên đã và đang làm cho môi trường kinh doanh nước ta chưa thực sự được đánh giá cao trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh; và có phần trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và trong khu vực. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, so với một số nước trong khu vực thì hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính của nước ta vẫn chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện để hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để có thể thích ứng với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng tính tự chủ, tự do hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp. Rõ ràng, việc bổ sung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hiện hành và xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết.
Cho ý kiến thẩm tra ba dự án Luật này, hầu hết thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thực tế thi hành Luật thời gian qua. Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, việc sửa đổi các dự án Luật một cách đồng bộ lần này sẽ góp phần gỡ bỏ nhiều rào cản, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc sửa đổi đồng bộ các đạo luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp theo tinh thần Hiến pháp mới sẽ là bước tiến lớn, thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tạo động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư. Điều này đã được thể hiện trong một số quy định của dự thảo Luật.
Trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này đã tách việc đăng ký thành lập doanh nghiệp với việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, dự thảo Luật còn sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp thông qua việc cho phép thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về đăng ký thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội. Cùng tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, Điều 41 dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định theo hướng mở rộng diện dự án đầu tư không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, việc sửa đổi các đạo luật về doanh nghiệp, đầu tư theo hướng cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đã cơ bản thể hiện được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cụ thể hóa nội dung của Hiến pháp năm 2013. Đó là quan điểm: ... các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Và Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước... (khoản 2 và khoản 3, Điều 51, Hiến pháp năm 2013). Còn dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã luật hóa các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước. Với những nội dung này, thông qua dự án Luật, đã một lần nữa khẳng định vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong kinh tế nhà nước và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế (khoản 1, Điều 51, Hiến pháp năm 2013).
Cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hiện hành cũng như ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, song một số thành viên Ủy ban Kinh tế đã thẳng thắn đặt câu hỏi: những quy định về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có quá đơn giản và dễ dẫn tới việc lạm dụng thành lập doanh nghiệp một cách tràn lan không? Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp được thành lập chỉ nhằm mục đích mua bán hóa đơn, thậm chí lừa đảo. Do vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi có nên xây dựng chương riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này hay không, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng không nên, bởi trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, số lượng và tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước sẽ ngày một giảm dần. Hơn nữa, việc thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp nhà nước cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật như tất cả các loại hình doanh nghiệp khác để bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế. Về nguyên tắc, Luật Doanh nghiệp chỉ quy định về loại hình pháp lý của doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Do vậy, việc bổ sung một chương về doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật Doanh nghiệp. Các thành viên Ủy ban đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý, nguyên tắc cơ bản về hình thức quản trị doanh nghiệp nhà nước để quy định trong dự án Luật. Các nội dung khác có thể xem xét chuyển, đưa vào dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các luật khác có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, khả thi và minh bạch của hệ thống pháp luật.
Và trên hết, như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khẳng định, việc sửa đổi các dự án Luật cần bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản luật.
Tạo sự đột phá rõ rệt về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định cho mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư cũng chính là cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh quy định tại Điều 33, Hiến pháp năm 2013: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Nguyễn Giang