Vai trò của các SAI trong đấu tranh chống tham nhũng

09/05/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày nay, nhiều cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đã tích cực hơn trong vai trò đấu tranh chống tham nhũng thông qua một số cách tiếp cận: xác định và công khai các lĩnh vực rủi ro tham nhũng, phối hợp sát sao với các cơ quan và tổ chức khác, công khai các kiến nghị kiểm toán rộng rãi… Đây là kết quả của nghiên cứu “Vai trò của các tổ chức kiểm toán tối cao trong đấu tranh chống tham nhũng” do Trung tâm Tài nguyên Phòng chống tham nhũng U4 thực hiện.

Phạm vi quyền hạn: ngăn ngừa và phát hiện

Xét tổng thể, SAI không phải là cơ quan chuyên trách về phát hiện và điều tra tham nhũng mà chỉ thực hiện gián tiếp vai trò này qua việc kiểm toán công tác quản lý tài chính công. Magnus Borge - Tổng Giám đốc Cơ quan Sáng kiến Phát triển - Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã nhấn mạnh rằng, vai trò trung tâm của SAI trong đấu tranh chống tham nhũng là việc thúc đẩy quản lý tài chính, quản trị nội bộ hiệu quả, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các cơ quan, đơn vị khu vực công. Việc làm này có tác động “răn đe” với những đối tượng có thể có hành vi tham nhũng.

Bên cạnh chức năng ngăn ngừa tham nhũng, nhiều SAI trên thế giới còn có quyền hạn xác định, làm rõ những trường hợp nghi ngờ gian lận trong quá trình thực hiện các cuộc kiểm toán thông thường. Musa Kayrak - SAI Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu ra các hành vi tham nhũng mà kiểm toán viên có khả năng phát hiện nhất trong quá trình kiểm toán, bao gồm: sai lệch thông tin báo cáo tài chính, dùng công quỹ mua sắm cho cá nhân, đấu thầu không đúng quy định, trốn thuế…

Tương tự, Fred M. Siame - Tổng Kiểm toán Zambia đã nêu ra các rủi ro: sai phạm trong trao hợp đồng thầu; chi vượt quá hoặc chi khống cho hàng hóa, dịch vụ; sai phạm trong quá trình giải thể doanh nghiệp nhà nước… Tại Đức, Thụy Điển, Anh và một số quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, SAI được yêu cầu báo cáo những trường hợp nghi ngờ gian lận và vi phạm phát hiện trong quá trình kiểm toán.

Mặc dù một số SAI trên thế giới có quyền điều tra gian lận trong một giới hạn nhất định, nhưng thông thường công tác này thường được chuyển đến cơ quan Công an hoặc một đơn vị chống tham nhũng khác.

Tăng cường vai trò của SAI trong công tác chống tham nhũng

Nhiều SAI đã chủ động xác định các khu vực có rủi ro cao về tham nhũng, lên kế hoạch và giám sát các khu vực này trong quá trình thực hiện kiểm toán. KTNN Hungary là một ví dụ. Cơ quan này đã đặc biệt tập trung vào các rủi ro tham nhũng trong suốt các cuộc kiểm toán và kể từ năm 2005 đã khởi động tố tụng hơn 50 trường hợp vi phạm trong đó nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng.

Lôi kéo sự tham gia của công chúng cũng là một cách để SAI thực hiện tốt hơn vai trò chống tham nhũng. Một số SAI đã thành công trong việc để công chúng chỉ ra các nghi vấn tham nhũng, từ đó lập kế hoạch kiểm toán tập trung hơn vào các rủi ro tham nhũng. Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) năm 2011 đã lập ra một Hệ thống Yêu cầu Kiểm toán cho công dân, qua đó công dân có thể yêu cầu kiểm toán các cơ quan công dựa trên những nghi vấn về tham nhũng hay vi phạm pháp luật. Mở rộng ra, BAI đã tổ chức một cơ chế tố cáo cho toàn dân, thiết lập một đường dây nóng miễn phí để đón nhận các tố cáo hay yêu cầu từ công chúng.

Magnus Borge - Tổng Giám đốc Cơ quan sáng kiến phát triển INTOSAI đã nhấn mạnh tầm quan trọng của SAI trong việc thông tin các báo cáo kiểm toán và các trường hợp tham nhũng kịp thời tới công chúng, từ đó tăng cường nhận thức xã hội. Borge cho biết đã có nhiều SAI thiết lập liên kết với báo chí để thông tin về các trường hợp gian lận và tham nhũng. Với những thông tin công khai từ SAI Nam Phi, Cơ quan giám sát trách nhiệm giải trình dịch vụ công Nam Phi (PSAM) đã thường xuyên theo “dấu vết” các cáo buộc vi phạm trong báo cáo của SAI, phỏng vấn những quan chức chịu trách nhiệm để phản ánh tình trạng khắc phục và công bố công khai thông tin trên.

Phối hợp hiệu quả với các cơ quan và SAI khác
Trong trường hợp các SAI có thể phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành pháp luật như cảnh sát hoặc các cơ quan chống tham nhũng chuyên biệt, khả năng phát hiện tham nhũng của SAI sẽ được tăng cường. Các bê bối tài chính giữa thập niên 1990 ở Đức đã buộc cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế phải phối hợp sát sao với các cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm điều tra và khởi tố tội phạm. Sự phối hợp này đã giúp tăng cường năng lực điều tra tổng thể cho quốc gia này.

Những điều kiện trên, muốn thực hiện được đòi hỏi một năng lực nhất định của SAI trong vấn đề chống tham nhũng. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia đang phát triển, năng lực chuyên môn của các SAI trong lĩnh vực này còn hạn chế. Hiện nay, chia sẻ kinh nghiệm song phương và đa phương giữa các SAI và trong cộng đồng SAI khu vực, quốc tế đang diễn ra khá mạnh mẽ, song lại mới tập trung chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực cho các hoạt động kiểm toán mà còn ít tập trung vào các vấn đề kĩ thuật để sử dụng cho việc phát hiện tham nhũng./.

Theo Báo Kiểm toán số 18/2014

Xem thêm »