Kiểm toán vụ bê bối tham nhũng "Cashgate" tại Malawi: Ngân sách bị “rút ruột” gần 32 triệu USD trong 6 tháng

31/03/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Một báo cáo kiểm toán về các cáo buộc tham nhũng lan rộng tại Cộng hòa Malawi đã được công bố vào tháng 2 vừa qua. Vụ bê bối tham nhũng, được biết đến với tên “Cashgate”, được đánh giá là vụ bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử Malawi với sự “biến mất” của hàng chục triệu USD từ ngân quỹ quốc gia. Vụ việc này gây chấn động Malawi và nhận được nhiều quan tâm của truyền thông thế giới.

Tổng thống Joyce Banda đang phải đối mặt với nguy cơ thất bại trong lần tranh cử tới vào tháng 5/2014

Bản báo cáo do Công ty kiểm toán độc lập của Anh - Baker Tilly thực hiện theo yêu cầu của bà Joyce Banda - Tổng thống Malawi. Theo kết quả kiểm toán, 32 triệu USD đã bị “rút ruột” từ ngân quỹ quốc gia trong 6 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9/2013). Số tiền trên tương đương 1% GDP của Malawi - một trong những nước nghèo nhất thế giới với dịch vụ công nghèo nàn và tuổi thọ trung bình chỉ 54 tuổi.  

Kiểm tra gần 370.000 giao dịch từ 11 tài khoản của Chính phủ, các kiểm toán viên đã phát hiện tình trạng gian lận và quản lý yếu kém đáng báo động tại các Bộ. Báo cáo cho biết, các công chức tham nhũng đã lợi dụng hệ thống thanh toán của Chính phủ để chi trả bất hợp pháp cho một số lượng thực phẩm và dịch vụ “ảo” tới nhiều tài khoản trong và ngoài nước. Những giao dịch này sau đó được xóa khỏi hệ thống để ém nhẹm hành động biển thủ công quỹ. Tổng cộng có 501 giao dịch có nghi vấn, với số tiền trả cho các dịch vụ “ảo” của 16 công ty là 6,1 tỷ kwacha (tương đương 14,5 triệu USD). Ngoài số tiền trên, các khoản thanh toán không có chứng từ “đóng góp” thêm một khoản thất thoát 4 tỷ kwacha. Một số lượng các hợp đồng cung cấp cũng đã bị khai khống với số tiền chênh lệch là 3,6 tỷ kwacha. Như vậy, chỉ trong 6 tháng, ngân sách đã bị “rút ruột” gần 32 triệu USD.

Những nghi ngờ về các hành vi tham nhũng đã được dấy lên từ năm 2013 khi một loạt các công chức Chính phủ “bỗng dưng” mua nhà tại các khu ngoại ô mới của Thủ đô Lilongwe. Tháng 9/2013, một công chức Chính phủ bị lộ đã để 300.000 USD trong cốp ô tô. Một số nhân viên khác của Chính phủ cũng đã bị phát hiện cất trữ một số lượng lớn tiền mặt trong nhà và ô tô. Tiếp đó, Giám đốc Cơ quan ngân sách thuộc Bộ Tài chính đã bị bắn ngay ngoài tư gia vì có ý định tố cáo một số hành vi tham nhũng trong Chính phủ. Những sự kiện này là khởi đầu cho một loạt phát hiện bê bối tham nhũng có hệ thống trong vụ “Cashgate”.

Báo cáo kiểm toán đã không nêu tên những cá nhân, công ty, tổ chức có hành vi vi phạm vì e ngại sẽ tạo nên định kiến cho các cuộc điều tra hay xét xử khác. Tuy vậy, hồ sơ về các trường hợp này đã được chuyển đến các cơ quan thi hành luật thông qua Tổng Kiểm toán Malawi. Bản thân Tổng thống Joyce Banda không bị buộc tội dính líu trong vụ việc này, và theo tuyên bố của Tổng thống những hành động tham nhũng đã diễn ra một thời gian dài trước khi bà nhậm chức.

Tuy nhiên, bản báo cáo của Baker Tilly cho thấy mức độ tham nhũng đã gia tăng dưới thời của Tổng thống Banda. Sau khi báo cáo kiểm toán được công bố, đã có nhiều tổ chức phi chính phủ đứng ra kêu gọi Tổng thống Banda phải chịu trách nhiệm với các vụ tham nhũng này. Vụ bê bối này đang đe dọa khả năng thắng cử nhiệm kỳ thứ 2 của bà trong tháng 5 tới.

Tháng 10/2013, Tổng thống Banda đã phải giải thể toàn bộ nội các Chính phủ. Sau đó, bà đã yêu cầu một cuộc kiểm toán độc lập và lập nên một ủy ban đặc biệt để kiểm tra tài chính công và loại trừ tham nhũng. Bà Banda cho hay, Malawi cần một ủy ban điều tra độc lập để điều tra ngọn ngành sự thật của các cáo buộc. Bộ trưởng thông tin Brown Mpinganjira trả lời phóng viên ngày 11/1 rằng các cuộc xét xử tham nhũng trong vụ “Cashgate” sẽ cần huy động các thẩm phán từ nhiều địa phương khác nhau ngoài Thủ đô Lilongwe và sẽ tiêu tốn khá nhiều nguồn lực của hệ thống tư pháp Malawi.

Malawi đã bắt đầu xét xử 69 công chức, thương nhân và nhà chính trị dính líu trong bê bối tham nhũng từ ngày 5/2 vừa qua. Trong số đó có cả những người trong Đảng Nhân dân của bà Banda và nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Ralph Kasambara và 4 người khác cũng phải chịu tố tụng vì hành vi cố tình ám sát Giám đốc cơ quan ngân sách thuộc Bộ Tài chính - người có ý định tố cáo một số hành vi tham nhũng trong Chính phủ.

Sau những bê bối trên, niềm tin của các nhà tài trợ nước ngoài đối với Malawi đã tụt dốc nghiêm trọng. Hệ quả là, các nhà tài trợ đã quyết định “đóng băng” nhiều khoản viện trợ quan trọng trị giá 150 triệu USD. Với tình thế này, Malawi buộc phải gồng mình chống chọi với số ngân sách hạn hẹp do 40% ngân sách nước này dựa vào các khoản viện trợ nước ngoài. Malawi hiển nhiên sẽ gặp khó khăn trong việc trang trải cho các dịch vụ công, thậm chí có thể phải cắt giảm những dịch vụ cơ bản nhất như cứu hỏa, y tế.  

Malawi - nhà xuất khẩu thuốc lá loại Burley số 1 châu Phi - được đánh giá là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Một nửa trong số 15 triệu dân Malawi phải sống dưới mức 1 USD/ngày, theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế. Ngân hàng Thế giới ước tính GDP năm 2012 của nền kinh tế vào khoảng 4,27 tỷ USD. Theo Bloomberg, kể từ đầu năm 2013 đến nay, đồng kwacha của Malawi đã giảm 26% so với đồng USD - tình trạng tệ nhất trong 22 đồng tiền châu Phi. Malawi đứng thứ 91 trên 175 nước trong Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2013 của Tổ chức minh bạch quốc tế, tụt xa thứ hạng 37 của năm 2012./.

Theo Báo Kiểm toán số 13/2014

Xem thêm »