(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 24/3/2014, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tuyên truyền và phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cho các cán bộ, công chức, kiểm toán viên, người lao động của các đơn vị trực thuộc KTNN chưa tham gia tập huấn. Tiến sĩ Hoàng Văn Tú – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ban Biên tập và sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là báo cáo viên trình bày tại Hội nghị.
Tiến sĩ Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ban Biên tập và sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Tại Hội nghị, các học viên được giới thiệu những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; những điểm mới so với Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là nội dung liên quan đến KTNN. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức hiểu biết của cán bộ, công chức, kiểm toán viên, người lao động của KTNN về Hiến pháp, ý thức trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, đồng thời nắm được mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc tôn trọng, tuân thủ và chấp hành Hiến pháp.
Được biết, Hội nghị được triển khai theo Kế hoạch ngày 20/1/2014 của KTNN về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục đích nâng cao nhận thức của công chức, viên chức người lao động của KTNN về các quy định của Hiến pháp, đảm bảo các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh./.
Thành Vinh
Ngày 28 tháng 11 năm 2013, với 97,59% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Bản Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới. Đây là bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Với bố cục 11 Chương, 120 Điều, giảm 1 Chương và 27 Điều so với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định rõ ràng, đúng đắn, đầy đủ và khái quát hơn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp. |