Những điểm lưu ý trong Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

14/03/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của kiểm soát chất lượng kiểm toán, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán, ngày 12/3/2014, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước kèm theo Quyết định số 395/QĐ-KTNN.

Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán, trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Quy chế này gồm 5 Chương và 33 Điều.

- Chương I - Những quy định chung, gồm 9 Điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Mục đích kiểm soát chất lượng kiểm toán; Đối tượng kiểm soát; Nội dung kiểm soát chất lượng kiểm toán (theo 3 giai đoạn của quy trình kiểm toán; các nội dung khác); Căn cứ kiểm soát chất lượng kiểm toán; Phương pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán; Nguyên tắc kiểm soát chất lượng kiểm toán.

- Các Chương từ II đến IV quy định phạm vi, nội dung kiểm soát; trình tự, thủ tục kiểm soát; trách nhiệm, quyền hạn của các cấp kiểm soát; hồ sơ kiểm soát chất lượng kiểm toán. Cụ thể:

+ Chương II - Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Đoàn kiểm toán (gồm Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán), với 8 Điều;

+ Chương III - Kiểm soát chất lượng kiểm toán của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán (các tổ chức giúp việc thủ trưởng đơn vị trong kiểm soát chất lượng kiểm toán), với 7 Điều;

+ Chương IV - Kiểm soát chất lượng kiểm toán của các đơn vị tham mưu, với 8 Điều.

- Chương V - Tổ chức thực hiện, với 01 Điều.

Những vấn đề trọng tâm của Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

- Thứ nhất, quy định và làm rõ trách nhiệm kiểm soát của các cấp độ nhằm đảm bảo công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt trong các giai đoạn của quy trình kiểm toán và sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, có sự tham gia của các cấp độ kiểm soát; trách nhiệm lập báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán hàng tháng và cuộc kiểm toán. Cụ thể:

+ Phòng Tổng hợp thuộc các KTNN chuyên ngành (khu vực) chịu trách nhiệm giúp thủ trưởng đơn vị kiểm soát thường xuyên hoạt động kiểm toán của các Đoàn kiểm toán. Hàng tháng, thủ trưởng đơn vị có báo cáo kiểm soát tháng, trình lãnh đạo KTNN phụ trách và gửi Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán để theo dõi, kiểm tra. Kết thúc mỗi cuộc kiểm toán, thủ trưởng đơn vị có báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán, trình lãnh đạo KTNN phụ trách và gửi Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán để kiểm tra, đánh giá.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Phòng Tổng hợp tham mưu, đề xuất Kiểm toán trưởng thành lập Tổ Kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với mỗi cuộc kiểm toán. Tổ Kiểm soát chất lượng kiểm toán chịu sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát của Trưởng phòng Tổng hợp.

+ Ngoài trách nhiệm kiểm tra, đánh giá báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán hàng tháng và báo cáo kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán của đơn vị, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán chịu trách nhiệm thực hiện kiểm soát thường xuyên trong giai đoạn thực hiện kiểm toán đối với một số cuộc kiểm toán (theo Kế hoạch kiểm soát năm do Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt).

- Thứ hai, quy định rõ trình tự, thủ tục lập và nội dung báo cáo kiểm soát tháng và báo cáo kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán.

- Thứ ba, quy định rõ giá trị của báo cáo kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán là cơ sở để lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tổ chức xét duyệt dự thảo Báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán.

- Thứ tư, quy định về việc thành lập Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán thuộc Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; trách nhiệm và quyền hạn của Tổ kiểm soát. Cụ thể:

+ Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán do Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán để kiểm soát chất lượng một cuộc kiểm toán.

+ Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm soát định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; ký báo cáo kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán để Vụ trưởng ký trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.

+ Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán có quyền tham dự cuộc họp của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán (họp nội bộ và họp với đơn vị được kiểm toán); các cuộc họp triển khai kiểm toán, họp thông báo kết quả kiểm toán của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán. (Khoản 2 Điều 31).

+ Trong quá trình kiểm soát, khi cần thiết phải làm việc trực tiếp với Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán nhằm làm rõ về nội dung kiểm soát, Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán đề xuất với Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán xem xét, phê duyệt. Nội dung và kết quả làm việc trực tiếp với Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán được lập thành biên bản.

- Thứ năm, quy định về nội dung báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán hàng tháng và báo cáo kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán; trong đó phải nêu rõ tình hình tổ chức công tác kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán, việc xử lý kết quả kiểm toán, việc ghi nhật ký làm việc của KTV, nhật ký công tác của Trưởng đoàn kiểm toán và Kiểm toán trưởng./.

Xem thêm »