Quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế

26/02/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoann.gov.vn) - Ngày 18/2/2/2014, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã ký ban hành các Quyết định số 145, 146, 147/QĐ-KTNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Vụ Pháp chế, cụ thể:


Đối với Vụ Tổng hợp, theo Quyết định số 145/QĐ-KTNN, Vụ tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau:
 
Về chức năng, Vụ Tổng hợp tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức xây dựng kế hoạch, quản lý việc thực hiện kế hoạch kiểm toán; Thẩm định kế hoạch, báo cáo kiểm toán; Thẩm định hồ sơ đính chính báo cáo kiểm toán; Trả lời các nội dung khiếu nại, kiến nghị, vướng mắc về kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán; thẩm định kế hoạch và báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán; Tổng hợp và lập báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, báo cáo kiểm toán năm của ngành; Tổ chức công bố công khai kế hoạch kiểm toán năm và báo cáo kiểm toán; Chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW; Tham mưu trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua kết quả kiểm toán của ngành; Tham mưu cho Tổng KTNN trong việc quản lý, cung cấp tài liệu, thông tin kiểm toán; Chuẩn bị ý kiến của KTNN theo chuyên đề, nội dung yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Là đầu mối quan hệ công tác giữa KTNN với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong hoạt động kiểm toán. Vụ Tổng hợp chủ trì tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hàng năm và một số cuộc kiểm toán khác khi được Tổng KTNN giao; Xây dựng chính sách, phát triển hệ thống và hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn kiểm toán hoạt động; Xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm toán hoạt động; Giám sát, kiểm soát quá trình thực hiện kiểm toán hoạt động và hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán hoạt động trong ngành.
 
Về nhiệm vụ và quyền hạn, Vụ Tổng hợp tham mưu việc hướng dẫn và thẩm định việc lập kế hoạch kiểm toán năm, trung hạn, dài hạn của các đơn vị trực thuộc; Tổng hợp, lập kế hoạch kiểm toán năm, trung hạn, dài hạn của ngành; Phân giao nhiệm vụ kiểm toán cho các đơn vị theo kế hoạch kiểm toán; Tham mưu uỷ thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; Thẩm định kế hoạch kiểm toán, dự thảo báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán, thẩm định kế hoạch và dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán do các đơn vị gửi đến; Tổng hợp và lập báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, báo cáo kiểm toán năm của ngành; Tổ chức công bố công khai kế hoạch kiểm toán năm, báo cáo kiểm toán. Trong công tác kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hàng năm, Vụ Tổng hợp chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hàng năm; Tham mưu giúp Tổng KTNN tham gia với Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo quyết toán NSNN; Trường hợp báo cáo quyết toán NSNN chưa được Quốc hội phê chuẩn, Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tiếp tục làm rõ những vấn đề Quốc hội yêu cầu để Tổng KTNN trình Quốc hội quyết định. Tham mưu giúp Tổng KTNN trong việc chuẩn bị ý kiến của KTNN đối với dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW. Tham mưu giúp Tổng KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua kết quả kiểm toán như đánh giá mức độ rủi ro, kiến nghị chính sách, cung cấp, chuyển các hồ sơ, kết quả kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra và tổng hợp, báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng của các đơn vị được kiểm toán. Ngoài ra, còn là đầu mối quan hệ công tác giữa KTNN với Quốc hội và Chính phủ trong hoạt động kiểm toán.
Về tổ chức bộ máy, đơn vị có 07 phòng bao gồm: Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Phòng Ngân sách Trung ương, Phòng Ngân sách Địa phương, Phòng Đầu tư - Dự án, Phòng Doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Phòng Phòng chống tham nhũng và Phòng Kiểm toán hoạt động.
 
Đối với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, theo Quyết định số 146/QĐ-KTNN, Vụ tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau:
 
Về chức năng, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán có chức năng tham mưu giúp Tổng KTNN về công tác xây dựng, ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản về chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nhà nước và nghiệp vụ kiểm toán nội bộ; Tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán.
 
Về nhiệm vụ và quyền hạn, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tổ chức xây dựng, ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản về chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nhà nước, tham mưu giúp Tổng KTNN xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển các loại hình kiểm toán; Phát triển các loại hình và phương pháp kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong công tác xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ và các văn bản hướng dẫn thực hiện áp dụng đối với kiểm toán nội bộ phù hợp với từng loại hình tổ chức theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, triển khai qui định của Luật Kiểm toán nhà nước về thực hiện kiểm toán nội bộ ở các cơ quan, tổ chức và kiểm tra, đánh giá việc áp dụng chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ. Trong công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, tham gia thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán; Theo dõi việc thực hiện kế hoạch chi tiết phù hợp với kế hoạch kiểm toán được phê duyệt; Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán, lập báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán các cuộc kiểm toán và trình lãnh đạo KTNN xem xét, quyết định trước khi xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán; Tham dự xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán; Kiểm tra, đánh giá và kiến nghị Tổng KTNN về việc tuân thủ chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ KTNN của các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và các thành viên của đoàn kiểm toán; Kiểm tra việc quản lý hồ sơ, tài liệu kiểm toán của các đơn vị kiểm toán; Xây dựng  quy định, chế độ công tác về nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán và các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
 
Về tổ chức bộ máy, đơn vị có 05 phòng bao gồm: Phòng Tổng hợp, Phòng Ngân sách Trung ương, Phòng Ngân sách Địa phương, Phòng Đầu tư - Dự án, Phòng Doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng.

Đối với Vụ Pháp chế, theo Quyết định số 147/QĐ-KTNN, Vụ tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau:
 
Về chức năng, Vụ Pháp chế tham mưu, giúp Tổng KTNN về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trong tổ chức và hoạt động của KTNN và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong phạm vi quản lý của Tổng KTNN; Thẩm định tính pháp lý của dự thảo báo cáo kiểm toán.
 
Về nhiệm vụ và quyền hạn, Vụ Pháp chế tổ chức và triển khai công tác xây dựng pháp luật như chủ trì và phối hợp các đơn vị liên quan đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, trung hạn và dài hạn của KTNN; Tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình tiến độ thực hiện các chương trình sau khi được phê duyệt; Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của KTNN; Thẩm định về mặt pháp lý và chuẩn bị hồ sơ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do KTNN soạn thảo trước khi trình Tổng KTNN ban hành hoặc cấp có thẩm quyền ban hành; Tham gia góp ý đối với các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương gửi lấy ý kiến; Thẩm định hoặc tham gia ý kiến về mặt pháp lý dự thảo văn bản quản lý của KTNN; Phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Tổng KTNN trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế trong phạm vi quản lý của KTNN. Vụ Pháp chế xây dựng kế hoạch rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của KTNN và chủ trì thực hiện pháp điển hoá hệ thống quy phạm pháp luật của KTNN. Ngoài ra, Vụ Pháp chế tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Công tác kiểm soát thủ tục hành chính; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong hoạt động của KTNN và tham mưu trong việc quản lý, thực hiện về công tác bồi thường của Nhà nước trong phạm vi hoạt động của KTNN. Bên cạnh đó, Vụ còn có nhiệm vụ thẩm định tính pháp lý của dự thảo báo cáo kiểm toán.
 
Về tổ chức bộ máy, đơn vị có 03 phòng bao gồm: Phòng Pháp luật, Phòng Thẩm định 1 và Phòng Thẩm định 2.
 
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên do Tổng KTNN quyết định theo đề nghị của Vụ trưởng Tổng hợp, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ./.

Xem thêm »