(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 18/02/2014, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014. Đồng chủ trì buổi họp báo gồm: ông Lê Minh Khái - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước thường trực, ông Mai Xuân Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đào Văn Dũng -Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN.
Ông Lê Minh Khái - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, mục tiêu tổng quát năm 2014 của KTNN là “nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng cường đổi mới phương pháp kiểm toán và công tác quản lý hoạt động kiểm toán; nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ kiểm toán viên ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Kế hoạch kiểm toán 2014 đã được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và một số cơ quan có liên quan. Theo kế hoạch, năm 2014 KTNN sẽ tiến hành kiểm toán 185 đầu mối, thực hiện lồng ghép kiểm toán và tập trung kiểm toán các đơn vị có quy mô thu - chi lớn (lĩnh vực NSNN gồm 14 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); lồng ghép kiểm toán 05 chuyên đề trong 07 cuộc kiểm toán tại 07 địa phương; 17 chuyên đề độc lập; 35 dự án đầu tư; 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước; 11 đầu mối kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng; 30 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng và cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2013.
Trong các nội dung của kế hoạch kiểm toán, KTNN sẽ tăng cường kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, tập trung kiểm toán: Công tác quản lý thu ngân sách theo Luật Quản lý thuế, phân tích cơ cấu các khoản thu, chú trọng khoản thu ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất, các khoản thu phí, lệ phí; Việc huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Công tác quản lý và sử dụng nguồn thu lệ phí, học phí, viện phí, thu dịch vụ và liên doanh, liên kết tại các ngành y tế, giáo dục, giao thông; Tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng với đó, KTNN sẽ tập trung kiểm toán kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm: kiểm toán các dự án, công trình đầu tư xây dựng, công tác mua sắm, sửa chữa tài sản..., chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các dự án sử dụng vốn Trái phiếu (Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu chính quyền địa phương), nhất là nguồn Trái phiếu Chính phủ; tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, việc lồng ghép chuyên đề trong các cuộc kiểm toán tại địa phương năm nay được xác định một cách thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo nguồn nhân lực, thời gian phù hợp và nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán. Trong tổng số 17 chuyên đề độc lập được lựa chọn đưa vào kế hoạch có một số chuyên đề được dư luận xã hội cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm như: Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2013, Chuyên đề Quản lý và sử dụng nguồn thu phí, học phí và thu khác năm 2013 của Bộ Giáo dục và đào tạo, Chuyên đề về tình hình thực hiện cơ chế mua tạm trữ lúa gạo giai đoạn 2012-2013, Chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách giá xăng dầu giai đoạn 2011-2013 tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu...
Kế hoạch kiểm toán năm 2014 tiếp tục đi sâu vào lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, tiền tệ thông qua các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn năm 2013 tại 42 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC...
Cũng theo Phó tổng kiểm toán Nhà nước, hiện kết quả kiểm toán năm 2013 đã cơ bản hoàn tất. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 150 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 22.778,1 tỷ đồng, trong đó: Các khoản tăng thu 4.014,4 tỷ đồng; các khoản giảm chi 5.290,8 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước 2.587,5 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 9.817,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 1.067,9 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để huỷ bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung và đề xuất bổ sung 71 văn bản (sửa đổi, bổ sung 49 văn bản, huỷ bỏ 22 văn bản) không phù hợp với quy định chung của nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, gồm: 03 Nghị định; 15 Thông tư; 20 Quyết định; 01 Chỉ thị; 32 văn bản khác; kiến nghị xử lý trách nhiệm 30 cá nhân và nhiều tập thể liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán.
Tại buổi họp báo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng đã trả lời, giải đáp tất cả những nội dung mà báo chí quan tâm./.
Hà Linh