Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước và những vấn đề cần lưu ý

07/09/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước được Tổng KTNN ký ban hành ngày 16/5/2008 được áp dụng rộng rãi đối với các Kiểm toán viên, Cộng tác viên kiểm toán, các công chức khác của Kiểm toán Nhà nước tham gia vào hoạt động kiểm toán. Qua hơn 3 năm thực hiện, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước đã góp phần nhằm chuẩn mực hoá việc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước khi thực hiện hoạt động kiểm toán và trong quan hệ xã hội; thực hiện công khai các hoạt động kiểm toán và quan hệ xã hội của Kiểm toán viên Nhà nước; nâng cao ý thức trách nhiệm của Kiểm toán viên, uy tín của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, tăng cường hiệu quả hoạt động, chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Cách ứng xử trong hoạt động kiểm toán và trong quan hệ xã hội của Kiểm toán viên Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân và uy tín xã hội của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Vì vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm toán, Kiểm toán viên cần tuyệt đối tuân thủ các quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán; tuân thủ đầy đủ các quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên Nhà nước, độc lập, khách quan, chính trực. Đặc biệt là tuân thủ các quy định trong Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước như: Đối với đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán viên không được lợi dụng danh nghĩa Kiểm toán Nhà nước để thực hiện các hành vi trái  pháp luật; không nhận tiền, vật chất từ đơn vị; không gây cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị, thực hiện công việc với sự thận trọng và đảm bảo các quy định về bảo mật thông tin, tài liệu; khi giao tiếp với đơn vị được kiểm toán phải có thái độ ứng xử văn hoá, lắng nghe, tôn trọng, lịch thiệp, thiện chí, ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc. Đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan thông tin báo chí và với tổ chức cá nhân nước ngoài cần thực hiện đúng quy định tại Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Kiểm toán Nhà nước và các quy định khác của pháp luật. Ngoài ra, Kiểm toán viên Nhà nước cũng cần chú ý khi tham gia các hoạt động xã hội phải thể hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong giao tiếp, không được lợi dụng chức vụ quyền hạn, mạo danh để tạo thanh thế khi tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, không để người thân lợi dụng danh nghĩa của bản thân để vụ lợi cho gia đình.

Để thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên Nhà nước, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục quán triệt, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc này của các Kiểm toán viên trong đơn vị; phê bình, chấn chỉnh các vi phạm hoặc đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xử lý các vi phạm đối với Kiểm toán viên trong đơn vị. Các đơn vị được kiểm toán cũng cần nắm bắt được những quy định này để cùng với Kiểm toán Nhà nước giám sát việc thực hiện các ứng xử, hành vi liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên. Các Kiểm toán viên Nhà nước có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Quy tắc ứng xử và vận động các Kiểm toán viên Nhà nước khác thực hiện đúng các quy định của Quy tắc này./.

Thuý Ly
 

Xem thêm »