(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 24/1/2018, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức gặp mặt thân mật 140 cán bộ hưu trí thuộc khu vực phía Bắc nhân dịp Xuân Mậu Tuất năm 2018. Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc chủ trì buổi gặp mặt.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi gặp mặt
Tham dự buổi gặp mặt có nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương, Nguyễn Hữu Vạn; các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh; nguyên các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN; các cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động KTNN đã nghỉ hưu.
Tại buổi gặp mặt, Chánh Văn phòng KTNN Nguyễn Ngọc Sùng đã trình bày báo cáo “Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2018 của KTNN”. Theo đó, năm 2017, hoạt động kiểm toán của KTNN tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả, thu được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, KTNN đã cơ bản hoàn thành kế hoạch kiểm toán năm 2017 theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. Toàn Ngành đã triển khai 257/257 cuộc kiểm toán, xét duyệt 273/282 Báo cáo kiểm toán (BCKT), phát hành 193/282 BCKT. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 4/01/2018 của 273 BCKT là 43.660 tỷ đồng (trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 32.609 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng), tăng 12,5% so với năm 2016 (38.776 tỷ đồng).
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất đai, khu đô thị; làm rõ những bất cập của cơ chế quản lý thực hiện các dự án BT, BOT; việc đầu tư không hiệu quả tại các tập đoàn, tổng công ty... được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ.
Trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN đã phát hiện thừa hơn 57.000 người và đã có kiến nghị chấn chỉnh siết chặt công tác quản lý; qua công tác kiểm toán xác định giá trị DNNN trước khi cổ phần hóa 06 DN, KTNN phát hiện, kiến nghị tăng thêm vốn nhà nước là 8.688 tỷ đồng; xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 504,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán đã được KTNN thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hiệu lực hoạt động kiểm toán đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực của việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trình bày Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015 trước Quốc hội với nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. Trong năm 2017, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối 02 vụ việc; đang chỉ đạo củng cố hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 04 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra và tố tụng, góp phần thực hiện nghiêm túc Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị.
Hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực của việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đến ngày 04/01/2018, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện 29.915 tỷ đồng/38.435 tỷ đồng, đạt 77,8% tổng số kiến nghị xử lý tài chính đủ bằng chứng, tăng hơn so với năm 2016 (75,6%).
Ngoài ra, công tác xây dựng và phổ biến pháp luật, tổ chức cán bộ và đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu và thông tin khoa học... cơ bản đảm bảo đúng định hướng, tiến độ và chất lượng đề ra.
Báo cáo về phương hướng kế hoạch công tác năm 2018 của KTNN, ông Nguyễn Ngọc Sùng cho biết, năm 2018, KTNN tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy mạnh hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng, kết quả kiểm toán để ngày càng khẳng định vị thế của cơ quan KTNN trong hệ thống nhà nước pháp quyền, xứng đáng với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Năm 2018, KTNN sẽ tổ chức thực hiện 205 cuộc kiểm toán, bám sát chủ trương đổi mới toàn diện hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm; Tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Việt Nam; Hoàn thành tốt vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI trước khi trở thành Chủ tịch ASOSAI; Tiếp tục chủ động phát huy, khẳng định tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI nhiệm kỳ 2017-2019; Củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác với một số SAI chiến lược...
Tại buổi gặp mặt, các cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động KTNN đã nghỉ hưu khẳng định, sẽ luôn quan tâm, dõi theo từng bước phát triển của KTNN và bày tỏ tin tưởng các thế hệ cán bộ, công chức đương nhiệm của Ngành sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng thời gửi lời cảm ơn lãnh đạo KTNN về sự quan tâm chu đáo đối với cán bộ hưu trí, qua đó buổi gặp mặt này các cán bộ hưu trí có thêm cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và mong rằng truyền thống tốt đẹp này sẽ được tiếp tục phát huy trong tương lai.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, năm 2017, KTNN đã nỗ lực cố gắng, đoàn kết nhất trí, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có được thành công đó, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng không ngừng của toàn Ngành, có sự động viên, ủng hộ, khích lệ của các cán bộ hưu trí, góp phần tích cực vào thành tích của KTNN. Lãnh đạo KTNN luôn luôn trân trọng và biết ơn đối với các thế hệ cán bộ KTNN qua các thời kỳ. Trong thời gian tới, KTNN rất mong tiếp tục nhận được sự động viên, khích lệ và quan tâm giúp đỡ của các cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động KTNN đã nghỉ hưu để KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
M. Thúy