Sáng 27/2/2018, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN 2015 (Ban Chỉ đạo), Ban Chỉ đạo họp phiên đầu tiên để thảo luận về chương trình làm việc, nhằm đảm bảo hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN 2015 trong năm 2019.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh công bố Quyết định 178/QĐ – KTNN ngày 19/01/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thành lập Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm có 16 thành viên: Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên – Phó trưởng Ban; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh– Phó trưởng Ban; Các Ủy viên gồm lãnh đạo các Vụ: Tổ chức – Cán bộ, Tổng hợp, Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Pháp chế, Thanh tra, KTNN khu vực I và khu vực IV, KTNN chuyên ngành II và khu vực V, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán. Vụ Pháp chế là thường trực của Ban Chỉ đạo.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, yêu cầu sửa Luật KTNN 2015 được nêu ra tại Kế hoạch 07/KH/TW ngày 27/11/2017 của Ban chấp hành Trung ương; Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 ngày 18/01/2018 của Đảng Đoàn Quốc hội về triển khai thực hiện nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Công văn số 1098/UBPL ngày 23/01/2018 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; đồng thời chỉ đạo xây dựng chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo với mục đích chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015, nhằm khắc phục một số bật cập, bất cập trong triển khai Luật KTNN 2015 thời gian vừa qua.
Báo cáo về dự kiến Chương trình làm việc của Ban chỉ đạo, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Anh Dũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015 cần đảm bảo yêu cầu: Đánh giá đúng thực trạng tình hình thi hành Luật KTNN hơn 02 năm qua; Đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, với thực tiễn hoạt động KTNN, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật; Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thi hành Luật KTNN được thực hiện từ các đơn vị trực thuộc KTNN bảo đảm yêu cầu sát với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN, từ các đơn vị được kiểm toán, các tổ chức có trách nhiệm liên quan để bảo đảm tính khả thi của Luật; đồng thời, tranh thủ sự phối hợp và đóng góp ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và các đơn vị được kiểm toán; Bảo đảm tiến độ soạn thảo và trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN năm 2015 theo yêu cầu.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015 chia thành 2 giai đoạn: Chỉ đạo sơ kết 02 năm thực hiện Luật KTNN năm 2015 và lập đề nghị xây dựng luật được tiến hành với các công việc theo trình tự; Soạn thảo và trình Dự án Luật KTNN sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015.
Theo dự kiến, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 sẽ được thực hiện trong năm 2019 và trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8 năm 2019). Vì vậy, ngay trong năm 2018, KTNN sẽ tiến hành sơ kết quá trình thi hành Luật KTNN năm 2015, đánh giá tác động của chính sách và chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, thành lập Tổ biên tập và tổ chức xây dựng dự án Luật
Trình bày về dự kiến Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Anh Dũng cho biết gồm những nội dung: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo; Quy định về chế độ làm việc và phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ trong thực hiện kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng: Để đảm bảo tiến độ sửa đổi, bổ sung luật KTNN 2015 theo yêu cầu, cần xác định rõ các nhóm nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung; Phân công rõ trách nhiệm của từng bộ phận liên quan trong việc triển khai các công việc theo quy trình. Các ý kiến tập trung thảo luận về các nội dung: Tổ chức đánh giá sơ kết 02 năm thi hành Luật KTNN năm 2015, trong đó tập trung đánh giá về những vấn đề bức xúc, cấp bách, vướng mắc nhất khi triển khai Luật KTNN 2015; Cách thức tổ chức hội thảo để lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng dự án Luật đảm bảo chất lượng; Chú trọng công tác tuyên truyền về công tác sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015…
Kết luận buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc yêu cầu 02 Phó Ban Chỉ đạo nhanh chóng chỉ đạo việc lấy ý kiến các đơn vị trực thuộc KTNN về việc sơ kết đánh giá 02 năm thi hành Luật KTNN 2015 và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015. Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp các ý kiến góp ý và lựa chọn các đề xuất, trình Ban Chỉ đạo trước cuối tháng 4/2018.
Đồng tình với nhiều ý kiến góp ý tại cuộc họp, Tổng Kiểm toàn nhà nước yêu cầu tổ chức các cuộc Hội thảo rộng rãi tại các thành phố lớn để đánh giá về 02 năm thi hành Luật KTNN 2015 và xin ý kiến các Ủy ban Quốc hội, các Bộ, Ngành, địa phương liên quan về các đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu trên cơ sở các ý kiến góp ý tại buổi làm việc, Vụ Pháp chế sửa đổi, bổ sung kế hoạch thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015; Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ của các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ phận liên quan nhằm đảm bảo trình Quốc hội thông qua dự án Luật tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019.
Ngọc Bích