Chiều ngày 8/3/2018, tại Hà Nội, Trường ĐT &BD nghiệp vụ kiểm toán tổ chức Tọa đàm Đề tài nghiên cứu khoa học “Phân tích,đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong kiểm toán ngân sách địa phương” do TS. Lê Đình Thăng và TS. Nguyễn Hữu Hiểu đồng Chủ nhiệm. Dự buổi Tọa đàm các đồng chí Lãnh đạo đại diện một số đơn vị tham mưu, KTNN các chuyên ngành, khu vực và các thành viên của Ban Đề tài.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Hữu Hiểu đã báo cáo với các đại biểu về tình hình nghiên cứu Đề tài trong thời gian vừa qua, về tính cấp thiết, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình nghiên cứu…. Theo Ban đề tài, thời gian qua, việc phân tích, đánh giá NSĐP đã được KTNN quan tâm, nhờ đó, tính chuyên môn trong báo cáo kiểm toán NSNN được nâng cao, góp phần gia tăng chất lượng thông tin kiểm toán cung cấp cho các cơ quan Nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định…
Tuy nhiên, hoạt động phân tích, đánh giá NSĐP vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như:
Nội dung phân tích chưa sâu, chưa toàn diện. Các phân tích, đánh giá chưa đi sâu vào cơ cấu và mối liên quan giữa các chỉ tiêu mà mới chỉ chú trọng về tỷ trọng trong tổng số. Các chỉ tiêu phân tích chưa gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị kiểm toán.
Các nhận định, đánh giá về tình hình quản lý, sử dụng NSĐP còn ít và chủ yếu phản ánh bên ngoài, chưa đi sâu vào bản chất bên trong của NSĐP. Thậm chí nhiều nhận định tuy mang tính phổ biến nhưng rất khó để nhận ra đặc điểm ngân sách của từng địa phương.
Nhiều kết luận rút ra từ phân tích NSĐP chưa thực sự hữu ích, ít được các cơ quan nhà nước có liên quan tin cậy và sử dụng. Các báo cáo kiểm toán chú trọng nhiều đến số tăng thu, giảm chi, kiến nghị xử lý tài chính mà chưa quan tâm thích đáng đến các phân tích để đưa ra các kết luận một cách hữu ích từ việc quản lý sử dụng ngân sách làm tiền đề cho việc đưa ra các kiến nghị cải thiện công tác quản lý hướng tới minh bạch và bền vững trong quản lý, sử dụng NSĐP…
Từ những thực trạng nêu trên việc nghiên cứu đề tài “Phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong kiểm toán ngân sách địa phương” của Ban đề tài là hết sức cần thiết đối với hoạt động của KTNN hiện nay. Qua đó, để xây dựng các chỉ tiêu và nội dung phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong kiểm toán NSĐP cấp tỉnh như: Công tác lập dự toán NSĐP cấp tỉnh có đầy đủ căn cứ pháp lý, theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian; có đảm bảo tính tích cực, khả năng cân đối và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Công tác quản lý, điều hành thu ngân sách của địa phương có được chỉ đạo, triển khai kịp thời, đồng bộ; Cơ cấu thu hợp lý, có tính bền vững; Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý nợ thuế được thực hiện đảm bảo hiệu lực, hiệu quả?
Bên cạnh đó, Đề tài cũng đi sâu nghiên cứu công tác chấp hành dự toán chi NSĐP cấp tỉnh có hoàn thành tốt nhiệm vụ chi theo dự toán; cơ cấu chi hợp lý; hoạt động quản lý, điều hành chi ngân sách tuân thủ các chính sách, chế độ đã đúng thẩm quyền, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; Đánh giá kết dư, bội chi, nợ chính quyền địa phương, và tính bền vững của NSĐP cấp tỉnh và việc đánh giá công tác quyết toán NSĐP cấp tỉnh có tuân thủ đúng trình tự lập, gửi, xét duyệt và thẩm định quyết toán theo quy định…
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về mặt nội dung, kết cấu, cũng như hình thức, cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán ngân sách, qua đây giúp Ban đề tài bổ sung, chỉnh sửa để Đề tài đạt chất lượng và các mục tiêu đã đề ra.
Phát biểu kết luận tại buổi Tọa đàm, TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường đã chân thành cảm ơn các đại biểu, chuyên gia trong Ngành đã dành thời gian quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến hữu ích để Ban đề tài có hướng phân tích, nghiên cứu trọng tâm, đúng hướng, giúp việc hoàn thiện đề tài đảm bảo tiến độ và có chất lượng tốt nhất./.
N. Hòa