Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận về thực trạng, những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm toán chuyên đề quản lý, sử dụng quỹ lương và biên chế của KTNN. Đại diện KTNN khu vực IV cho biết, năm 2017, công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng quỹ lương và biên chế đã được đơn vị chú trọng và triển khai theo Đề cương KTNN ban hành. Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song do nội dung kiểm toán chuyên đề kiểm toán quỹ tiền lương, biên chế được bố trí lồng ghép với cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, nên kế hoạch bố trí thời gian và nhân sự kiểm toán chưa thật sự hợp lý, dẫn đến kết quả kiểm toán chưa cao. Tổ kiểm toán tổng hợp và các Tổ kiểm toán chi tiết tại các đơn vị chưa có sự thống nhất về nội dung kiểm toán, do đó chưa phát huy được kết quả kiểm toán. KTNN cần rút kinh nghiệm trong việc bố trí nhân sự, thời gian và kế hoạch thực hiện những cuộc kiểm toán chuyên đề lồng ghép ngân sách địa phương.
Cũng đề cập đến những khó khăn trong công tác kiểm toán chuyên đề quản lý, sử dụng quỹ lương và biên chế, đại diện KTNN chuyên ngành Ia cho biết, nội dung kiểm toán biên chế, quân số và tiền lương tại KTNN chuyên ngành Ia mới chỉ tập trung vào việc thu thập bằng chứng để đánh giá về công tác lập dự toán, tình hình quân số thực tế so với biên chế được giao, xác định nguyên nhân và chênh lệch số tiền NSNN phải chi trả, chưa đi sâu vào đánh giá, phân tích những bất cập trong quản lý biên chế, quân số và chính sách tiền lương trong quân đội. KTNN cần xây dựng phương pháp, thủ tục kiểm toán nhằm tập trung đánh giá sâu hơn nữa những bất cập trong quản lý biên chế, quân số và chính sách tiền lương quân đội. Kiểm toán viên ngoài việc nâng cao hơn nữa các kỹ năng, kinh nghiệm kiểm toán, cần phải nắm vững chế độ, tiêu chuẩn, định mức và quy định tổ chức, biên chế tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng do nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo cho các đối tượng quân nhân chiếm tỷ trọng lớn trong trong tổng kinh phí quyết toán năm ngân sách.
Theo phân tích, đánh giá của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán: Mục tiêu kiểm toán chưa đạt được theo đề cương kiểm toán, cụ thể là chưa đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý và sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương. Việc kiểm tra tổng số chỉ tiêu biên chế giao cho các đơn vị, kiểm tra số giao, số có mặt 3 năm liền kề để làm cơ sở cho việc khoán ổn định giai đoạn chưa được các đoàn kiểm toán thực hiện. Công tác kiểm toán chủ yếu dựa trên các thông tin, số liệu, tài liệu liên quan do các đơn vị cung cấp mà chưa thực hiện kiểm tra, đối chiếu thực tế.
Công tác tổng hợp và xác định số liệu gặp khó khăn do chưa có quy định về hệ thống báo cáo, hồ sơ biểu mẫu của ngành nội vụ về tổng hợp số lượng biên chế, công chức, viên chức, lao động hợp đồng, báo cáo quỹ tiền lương hàng năm. Một số kiểm toán viên mới tiếp cận chuyên đề, chưa hiểu nghiệp vụ và quy trình tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức, lao động hợp đồng tại cơ quan đầu mối tập trung nên khó khăn trong khai thác thông tin, phân tích số liệu và đánh giá nguyên nhân. Ngoài ra, công tác phối hợp của các cơ quan sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng, các Sở Nội vụ với Đoàn, Tổ kiểm toán còn hạn chế, thậm chí có nơi có lúc còn gây khó khăn cản trở công tác kiểm toán. Việc sử dụng biên chế, lao động hợp đồng vượt định mức quy định, vượt chỉ tiêu được giao gây ảnh hưởng tới các yếu tố chi tiêu tại các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp có thu. Tuy nhiên do công tác kiểm toán chủ yếu thực hiện tại các cơ quan tổng hợp về tài chính và nội vụ nên không đánh giá, làm rõ được hiệu quả sử dụng ngân sách cụ thể, chính xác tại các đơn vị.
Kết thúc buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm nhấn mạnh kiểm toán việc quản lý, sử dụng quỹ lương và biên chế là một trong những chuyên đề kiểm toán được KTNN chú trọng trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Chuyên đề này đang đặt ra yêu cầu trong việc thống nhất nội dung, phạm vi, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán. Trọng tâm kiểm toán là đánh giá công tác quản lý, sử dụng biên chế được giao, biên chế có mặt, số tăng giảm trong năm, xác định nguyên nhân tăng giảm, đánh giá giao chỉ tiêu biên chế thừa thiếu từ đó xem xét đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc sử dụng biên chế; Đánh giá việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của BCH Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đánh giá công tác quản lý và sử dụng quỹ lương.
Để đảm bảo chất lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề quản lý, sử dụng quỹ lương và biên chế năm 2018 và các năm tiếp theo, KTNN cần tiếp tục hoàn thiện quy trình kiểm toán và mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán nhằm hướng dẫn cho kiểm toán viên xử lý một cách thống nhất đối với các tình huống phát sinh trong quá trình kiểm toán. Do đối tượng kiểm toán rộng, phát sinh ở tất cả các đơn vị hành chính, ở tất cả các cấp ngân sách (xã, phường, thị trấn, cấp huyện, thị; cấp tỉnh, thành phố, cấp trung ương), nội dung kiểm toán tương đối nhạy cảm và phức tạp, KTNN cần xem xét kỹ về tổ chức Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán sao cho phù hợp, tránh chồng chéo nhưng phải đảm bảo tính chuyên môn sâu.
Hà Linh