Nâng cao hiệu quả kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề tài chính và tư vấn định giá trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa

30/03/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch Tháng Thanh niên năm 2018, được sự đồng ý của Đảng ủy, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, ngày 29/3/2018, Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước (TN KTNN) tổ chức Tọa đàm Kỹ năng kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề tài chính và tư vấn định giá trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH).

Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm

Dự Tọa đàm có Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN có trụ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
         
Dự Tọa đàm còn có đồng chí Trần Quang Duy, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Đoàn Khối các cơ quan TW và hàng trăm đoàn viên thanh niên Đoàn Thanh niên KTNN tại điểm cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
         
Khai mạc Tọa đàm, Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN Ngô Đạt Trí cho biết: Nằm trong chuỗi hoạt động chuyên môn khoa học của Đoàn TN KTNN, Đảng ủy KTNN giao Đoàn TN KTNN tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kỹ năng kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề tài chính và tư vấn định giá trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp CPH”, nhằm tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên có cơ hội trao đổi những vấn đề về kỹ năng, những vấn đề cần lưu ý, kinh nghiệm trong quá trình kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp.
         
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tại Tọa đàm, đại diện đến từ KTNN chuyên ngành V, VI, Khu vực I, Khu vực IV đã có trao đổi xoay quanh các nội dung:  Kinh nghiệm, kết quả kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp (GTDN)  trước khi CPH, thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN CN VI; Kỹ năng kiểm toán các phần hành trong cuộc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp trước khi CPH; Một số hạn chế và bất cập trong công tác định giá doanh nghiệp CPH theo phương pháp tài sản và giải pháp hoàn thiện; Những vấn đề cần lưu ý đối với cuộc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp trước khi CPH - thuộc quản lý của UBND tỉnh, thành phố tại KTNN khu vực I và KTNN khu vực IV; Kết quả kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa thuộc lĩnh vực An ninh và tài chính Đảng…
         
Các tham luận tập trung làm rõ những bất cập trong văn bản, chính sách liên quan đến công tác xử lý tài chính và xác định GTDN trước khi cổ phần hóa (CPH); những sai sót đã phát hiện trong các BCKT liên quan đến công tác định giá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm kiểm toán xử lý tài chính và xác định GTDN trước khi CPH.
         
Theo đại diện Chi đoàn KTNN chuyên ngành 6, những vấn đề còn tồn tại trong việc xác định GTDN tại các tổ chức tư vấn và đơn vị được kiểm toán như sai sót về xử lý tài chính, tình trạng kiểm kê sót tài sản hoặc báo cáo tài chính tại thời điểm xác định GTDN chưa được điều chỉnh theo kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế, hay như về định giá tài sản ở nhiều đơn vị không tuân thủ ưu tiên áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản, suất đầu tư do cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá. Bên cạnh đó, các chính sách trong thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để CPH còn nhiều bất cập, chẳng hạn như hạn chế của Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18.7.2011, Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015, Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5.9.2014 của Bộ Tài chính Hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
         
Đại diện Chi đoàn VI  cũng đưa ra một số kiến nghị như: Cần xem xét sửa đổi bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tế; các cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức kiểm tra thường xuyên hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị được CPH trước khi xác định GTDN, từ đó phát hiện và giải quyết kịp thời những tồn tại của đơn vị, tạo điều kiện cho công tác xác định GTDN được thuận lợi, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, hoạt động tiềm ẩn nguy cơ cao về phản ánh không chính xác tài sản…
 
Đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm

         
Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng: Cổ phần hóa DNNN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chủ trương này tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết 12 Trung ương 5 khóa XII “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”. Trong quá trình CPH, việc xác định GTDN trước khi cổ phần là giai đoạn then chốt, làm tiền đề cho việc phê duyệt phương án CPH về sau.
         
Trong những năm gần đây, môi trường pháp lý CPH DNNN nói chung, việc xác định giá trị DNNN nói riêng đã từng bước được xây dựng, hoàn thiện về cơ bản, tạo thuận lợi trong việc xác định GTDN. Nhưng trong thực tế hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác xử lý tài chính và xác định GTDN trước khi thực hiện CPH vẫn còn những bất cập, nhất là liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất hay lợi thế vị trí địa lý, giá trị thương hiệu, quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá và các quy định về xác định giá thị trường của tài sản. Bên cạnh đó, việc xác định GTDN còn lúng túng, có lúc có nơi còn tùy tiện, sơ hở, làm thất thoát tài sản và vốn của Nhà nước.

Chính phủ đã có 02 Nghị định, xử lý vướng mắc trong CPH doanh nghiệp, tuy nhiên quy định vẫn chưa đầy đủ để hoàn thiện, chống thất thoát trong CPH doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề xác định GTDN, xác định giá trị quyền sử dụng đất, xác định giá trị thương hiệu, quy định về định giá tài sản theo giá thị trường và các phương pháp xác định giá .... nên vẫn còn nhiều lỗ hổng, nhiều kẽ hở và nhiều quan điểm khác nhau trong vấn đề xác định GT DN.

Việc định giá doanh nghiệp là khâu then chốt, tiền đề trước khi CPH, vì vậy, KTNN có vai trò không thể thiếu trong việc kiểm tra, kiểm soát quá trình cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là việc xác nhận, kết luận về GTDN trước khi CPH một cách khách quan, minh bạch. Kiểm toán kết quả định giá DNNN có ý nghĩa rất lớn, không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà quan trọng hơn là đánh giá thực trạng công tác định giá doanh nghiệp, các tồn tại, bất cập đang diễn ra trong quá trình CPH để kịp thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế chính sách, tạo niềm tin cho công chúng.
         
Cũng theo Tổng Kiểm toán nhà nước, thách thức hiện nay trong vấn đề thất thoát nguồn vốn doanh nghiệp là vấn đề lớn, đặt trách nhiệm lên vai của KTNN. Năm 2017, KTNN đã xác định giá trị của 7 doanh nghiệp cho thấy đã làm tăng vốn của Nhà nước lên gần 9 nghìn tỷ, tức là nếu không làm rõ ràng thì mỗi doanh nghiệp sẽ làm thất thoát hơn 1 nghìn tỷ. Ngoài đánh giá những bất cập, tồn tại diễn ra trong quá trình CPH, thực trạng quá trình CPH, việc đánh giá được thực trạng doanh nghiệp, những tồn tại bất hợp lý để có những kiến nghị cho phù hợp, giúp cho Chính phủ và các ban, ngành thực hiện công tác CPH tốt nhất là một trong những nhiệm vụ của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh: Qua buổi tọa đàm, các Kiểm toán viên sẽ nâng cao được kinh nghiệm, cách thức kiểm toán trong lĩnh vực xác định GTDN, rút kinh nghiệm và đúc kết được nhiều kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn; từ đó, những thống kê, kết luận được đưa vào báo cáo kiểm toán một cách toàn diện nhất, xác thực nhất, đúng đắn nhất.
         
Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng trong nghiệp vụ kiểm toán xác định GTDN trước khi CPH, vấn đề định giá quyền sử dụng đất và một trong những nội dung then chốt và phát hiện nhiều kết quả kiểm toán do đó khi kiểm toán nội dung này đòi hỏi phải nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, đặc biệt là Luật đất đai. “KTNN là một nghề chuyên môn sâu, chuyên môn cao, tôi mong muỗn mỗi Kiểm toán viên phải là một chuyên gia. Nhiệm vụ sắp tới rất nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm toán viên phải có trình độ chuyên môn, sâu về kiến thức, pháp luật và thành thạo về kỹ năng” - Tổng Kiểm toán nhà nước nói.
         
Kết thúc Tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước giao KTNN chuyên ngành VI tổng hợp các ý kiến, trao đổi của các đơn vị liên quan đến kiểm toán xác định GTDN, biên tập thành bộ tài liệu, in và phát cho các đơn vị khác tham khảo và sử dụng trong quá trình kiểm toán. Theo đề nghị của Tổng Kiểm toán nhà nước, tài liệu gồm 3 nội dung chính: Những vấn đề, phát hiện kiểm toán trong các BCKT đã phát hành; Những vướng mắc trong quá trình kiểm toán và định hướng giải quyết và Kinh nghiệm kiểm toán vấn đề xác định giá trị DN trước khi CPH./.

Diệu Thúy
 
 
 
 

Xem thêm »