Sáng 0/3/4/3018, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (Ủy ban TC – NS) Nguyễn Đức Hải, Thường trực Uỷ ban TC – NS đã làm việc với Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Thanh tra Chính phủ về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016 và báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Tham dự buổi làm việc có: Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam và đại diện Lãnh đạo Bộ tài chính, Tổng cục thuế, Kho bạc nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban TC – NS Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là lần đầu tiên Ủy ban tổ chức buổi họp mang tính chất tham vấn ý kiến KTNN, Thanh tra Chính phủ và các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2016 và báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, để trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV sắp tới. Vì vậy, Thường trực Ủy ban TC-NS mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi thẳng thắn về các vấn đề liên quan để Ủy ban TC-NS có được ý kiến toàn diện khi xây dựng các báo cáo thẩm tra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC – NS Bùi Đặng Dũng cho biết, qua thực tế làm việc với các địa phương khi thực hiện công tác giám sát thực hiện NSNN 2016 thấy nổi nên nhiều vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa, thu chi NSNN, nhất là các vấn đề về đầu tư công, chuyển nguồn, bội chi NSNN…; Các vấn đề liên quan đến thuế như: Nợ thuế, tận thu thuế, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế…Trong triển khai Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 cũng nhận được rất nhiều ý kiến như việc hướng dẫn triển khai thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chậm; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm còn chung chung, chưa cụ thể...
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đã báo cáo tóm tắt các nội dung về kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 qua tổng hợp kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa báo cáo tóm tắt về kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016
Đánh giá về quản lý thu NSNN, KTNN cho rằng thu NSNN mặc dù vượt dự toán nhưng chủ yếu tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất. Một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định, dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn. Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại nộp NSNN vẫn diễn ra phổ biến tại doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán. Nợ thuế có xu thế tăng cao…
Quản lý chi NSNN còn tồn tại một trong lĩnh vực lập và giao dự toán chi đầu tư; Lập và giao dự toán chi thường xuyên. Công tác chấp hành dự toán chi NSNN còn xảy ra tình trạng như: Phê duyệt dự án đầu tư không đúng trình tự, không phù hợp với quy hoạch vùng; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác; phê duyệt dự toán vượt tổng mức đầu tư; công tác thanh, quyết toán tại hầu hết các dự án còn sai sót…Việc cơ cấu lại chi NSNN gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm. Chi chuyển nguồn năm 2016 sang năm 2017 tăng cao so với năm 2015…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, qua công tác chuyên môn, Thanh tra Chính phủ phát hiện tình trạng lãng phí tập trung nhiều trong 02 lĩnh vực: Quản lý và sử dụng đất đai, quản lý khai thác khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản. Trao đổi về một số bất cập trong công tác thực hành tiết kiện, chống lãng phí, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng một trong các nguyên nhân là do cách thức tổ chức thực hiện NSNN còn nhiều bất cập; ý thức thực hành tiết kiệm của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn tùy tiện, lãng phí; Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí tuy đã được ban hành nhưng còn nhiều quy định chưa cụ thể, chế tài xử lý vi phạm vẫn còn chung chung...
Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo Bộ tài chính, Cục Thuế và Kho bạc nhà nước đã đưa ra một số các giải trình liên quan đến quyết toán NSNN năm 2016 được nêu trong báo cáo của KTNN. Trao đổi về một số nội dung liên quan đến sự khác nhau trong số liệu của KTNN và Bộ Tài chính.Một số khó khăn trong việc xây dựng xây dựng báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng, báo cáokiểm toán của KTNN đề cập nhiều vấn đề quan trọng, cung cấp nhiều thông tin cho báo cáo thẩm tra của Ủy ban TC – NS. Một số ý kiến cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban TC- NS về quyết toán NSNN năm 2016 nên tập trung thẩm tra về các nội dung mà KTNN đã đề cập: Nợ đầu tư xây dựng cơ bản tăng cao; Chi chuyển nguồn tăng cao; Các vấn đề liên quan đến nợ thuế, miễn giảm thuế làm minh bạch bức tranh tài chính; Các chính sách thuế nhằm chống thất thu thuế…
Để cung cấp được thông tin phục vụ cho báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, một số ý kiến cho rằng, Thanh tra Chính phủ nên tập trung báo cáo theo theo 7 lĩnh vực trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các vấn đề đưa ra nên có bằng chứng cụ thể.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban TC – NS Nguyễn Đức Hải cho rằng, thông tin của KTNN và Thanh tra Chính phủ là nguồn thông tin quan trọng để để Ủy ban TC – NS hoàn thiện các báo cáo thẩm tra và quyết toán NSNN năm 2016 và báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Chủ nhiệm Ủy ban TC – NS cho rằng, quan điểm của các Bộ, ngành trong một vấn đề không giống nhau là bình thường. Do đó, việc tranh luận, bàn bạc để đi đến thống nhất là rất quan trọng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban TC – NS, năm 2016 là năm cuối cùng thực hiện Luật NSNN năm 2002 để chuẩn bị chuyển sang thực hiện Luật NSNN 2015, vì vậy, quan điểm của Ủy ban là xử lý dứt điểm các tồn đọng trong quyết toán NSNN năm 2016 nhưng cần làm rõ cơ sở pháp lý cho việc xử lý. Chủ nhiệm Ủy ban TC – NS giao Tiểu ban kiểm toán, kế toán của Ủy ban TC – NS trên cơ sở các nội dung đã trao đổi tại buổi làm việc, tiếp tục làm việcvới các cơ quan liên quan để rà soát, xây dựng dự thảo 02 báo cáo thẩm tra. Một số vấn đề cần chú trọng trong dự thảo các báo cáo thẩm tra: Xử lý vốn phân bổ cho các dự án của VEC (Tổng công ty đường cao tốc VN); Vấn đề chuyển nguồn qua nhiều năm; Một số vấn đề liên quan đến đầu tư công, đầu tư XDCB; Vấn đề quản lý thu từ DN ngoài quốc doanh, DN đầu tư vốn nước ngoài; Cải cách hành chính trong thu thuế…Riêng đối với nội dung Xử lý vốn phân bổ cho các dự án của VEC, Chính phủ nên có báo cáo tổng thể về giải quyết xử lý vốn cho 04 dự án của VEC trong đó nêu rõ cơ sở pháp lý; thực trạng; hướng xử lý./.
Ngọc Bích