Chủ tịch Uỷ ban Kiểm toán Nhật Bản: Cần nâng quan hệ hợp tác kiểm toán với Việt Nam

17/04/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chủ tịch Uỷ ban Kiểm toán Nhật Bản đánh giá Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và thân thiết.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc gặp mặt và làm việc với Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhà nước Nhật bản Teruhiko Kawato trong chuyến công tác tại Nhật Bản

Nhân dịp Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản, ông Teruhiko Kawato, về sự hợp tác chặt chẽ giữa kiểm toán hai nước và các nỗ lực của hai nước nhằm thúc đẩy các cơ quan kiểm toán châu Á tăng cường kết nối quốc tế.

Tại cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán Nhà nước Nhật Bản nhấn mạnh ASOSAI hướng tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan kiểm toán (SAI) thành viên thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực giám sát tài chính, đồng thời để tăng cường chất lượng của hoạt động kiểm toán, thông qua việc phát triển năng lực của các kiểm toán viên, hỗ trợ các SAI thành viên.

Theo ông Teruhiko Kawato, sự quan tâm của người dân dành cho trách nhiệm giải trình và mức độ hiệu quả của hoạt động hành chính tại mỗi nước đang tăng lên, do đó vai trò của các cơ quan kiểm toán của mỗi nước ngày càng nâng cao.

ASOSAI mong muốn thực hiện những đóng góp hiệu quả thông qua việc phát triển năng lực của các cơ quan kiểm toán thành viên sau khi tìm hiểu nhu cầu của các thành viên một cách chính xác và kịp thời.

Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản cho rằng để kinh tế phát triển một cách thuận lợi, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của hành chính là điều cần thiết không thể thiếu.

Chính vì vậy các cơ quan kiểm toán có trách nhiệm gánh vác vai trò quan trọng này. Mỗi quốc gia có một vấn đề khác nhau.

Ví dụ đối với Nhật Bản, thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011 tại Đông Bắc Nhật Bản đã khiến quá trình tái thiết khu vực này trở thành vấn đề quan trọng.

Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia thường xuyên gánh chịu những thảm họa thiên nhiên, vì vậy an toàn và sự yên tâm là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với người dân Nhật Bản. 

Không chỉ như vậy, Nhật Bản hiện đang đối mặt với tình trạng dân số già, trẻ em ngày một ít đi, dân số suy giảm.

Có thể nói tình hình của Nhật Bản ngày nay khác biệt rất lớn với tình trạng của thời kỳ Nhật Bản phát triển kinh tế bùng nổ. Tiếp đó, an sinh xã hội cũng là một vấn đề lớn tại Nhật Bản ngày nay.

Mặt khác, tài chính của Nhật Bản hiện đang trong tình trạng nguy hiểm. Vì vậy, đối với Nhật Bản, cơ quan kiểm toán có trách nhiệm rất lớn trong việc xác định vai trò của cơ quan kiểm toán trong các vấn đề đó.

Ông Kawato đánh giá Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và thân thiết.

Ông cho biết tháng 7/2017, đoàn công tác Ủy ban Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản đã có chuyến thăm Việt Nam, nhận xét rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, trong đó phát triển hạ tầng là một lĩnh vực quan trọng của hoạt động kiểm toán. Tháng 4/2018, đoàn cán bộ cấp cao Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc dẫn đầu.

Chủ tịch Kawato tin rằng sự giao lưu hợp tác giữa hai bên thông qua việc phát triển năng lực, hoạt động nghiên cứu rất hiệu quả và cần phát triển mối quan hệ này lên một tầm cao mới.

Ông Kawato đồng thời tin tưởng Việt Nam trong vai trò chủ tịch sẽ tổ chức một đại hội ASOSAI thành công rực rỡ, và Kiểm toán Nhật Bản, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban phát triển năng lực, sẽ ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ./.

Xem thêm »