Ngày 17/4/2018, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) đã có buổi họp trực tuyến với Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) về nhu cầu đào tạo Kiểm toán viên của KTNN Việt Nam. Buổi họp được tổ chức theo đề xuất của ICAEW nhằm nắm bắt các thông tin cụ thể để triển khai hoạt động đào tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi họp
Dự buổi họp có ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ HTQT và đại diện Vụ TCCB, Vụ Tổng hợp, KTNN chuyên ngành VII, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.
Tại buổi làm việc, ICAEW đề nghị KTNN Việt Nam cung cấp một số thông tin cụ thể về nhu cầu đào tạo Kiểm toán viên, tăng cường năng lực. Liên quan đến nội dung này, ICAEW đã đặt ra một số câu hỏi cho KTNN như: Mục đích, phạm vi, lĩnh vực đào tạo; đối tượng, số lượng đào tạo; thời gian; những kiến thức cơ bản đối với từng lĩnh vực kiểm toán; chi tiết về các công cụ và kỹ thuật kiểm toán, các nội dung cụ thể đối với từng lĩnh vực mà KTNN Việt Nam quan tâm...
Đại diện KTNN Việt Nam cho biết, theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2016-2020, KTNN Việt Nam xác định mục tiêu tăng cường đào tạo kỹ năng kiểm toán chuyên sâu và kiểm toán lĩnh vực mới như: Kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường và kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT).
Đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động, KTNN Việt Nam đề xuất tập trung vào các nội dung: Xây dựng kế hoạch chiến lược kiểm toán hoạt động 3 - 5 năm, kế hoạch kiểm toán hoạt động hàng năm (căn cứ, cơ sở xác định các chủ đề; tiêu chí, thang điểm; quy trình, trình tự); Áp dụng các chuẩn mực, quy trình kiểm toán hoạt động (phương pháp đánh giá rủi ro; xây dựng tiêu chí kiểm toán khung); Phương pháp trình bày báo cáo kiểm toán hoạt động và Phần mềm kiểm toán hoạt động (kết cấu, nội dung).
Đối với lĩnh vực kiểm toán môi trường, KTNN Việt Nam đề xuất tập trung vào các nội dung: Chất thải; Nguồn nước; Công cụ tài chính trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường; Biến đổi khí hậu; Các mục tiêu phát triển bền vững; Kiểm toán đánh giá tác động môi trường; Kiểm toán các chủ đề môi trường trong ngành năng lượng (nhiệt điện, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng...) và Kiểm toán môi trường trong ngành khai khoáng.
Đối với kiểm toán công nghệ thông tin, đề xuất tập trung vào các nội dung: Kiểm toán CNTT đối với các hệ thống CNTT quốc gia, các hệ thống của các tổ chức tài chính ngân hàng; Xây dựng CSDL lớn (BIG DATA) tại KTNN và cách thức phân tích dữ liệu phục vụ công tác kiểm toán trong môi trường CNTT; Ứng dụng CNTT trong kiểm toán báo cáo tài chính.
KTNN Việt Nam dự kiến chia đối tượng đào tạo thành 2 cấp độ: Cấp độ cơ bản dành cho Kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo lĩnh vực được phân công có kinh nghiệm từ 1 - 3 năm; Cấp độ nâng cao dành cho Kiểm toán viên đã tham gia các lớp đào tạo cấp độ cơ bản, có kinh nghiệm kiểm toán theo lĩnh vực được phân công từ 3 năm trở lên.
Cũng theo KTNN Việt Nam, nhu cầu đào tạo Kiểm toán viên đến năm 2020 khoảng 630 - 660 người thực hiện nhiệm vụ kiểm toán hoạt động, 320 - 350 người thực hiện kiểm toán môi trường và 470 - 500 người thực hiện kiểm toán CNTT.
Về thời gian tổ chức đào tạo, hàng năm KTNN Việt Nam triển khai kế hoạch kiểm toán từ tháng 3 đến hết tháng 11, nên việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng có thể tập trung từ tháng 1 đến tháng 3 hoặc sau ngày 30/11 hàng năm.
Đối với việc tổ chức đào tạo các lớp kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán CNTT do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, KTNN đề xuất thời lượng dự kiến khoảng từ 3 - 5 ngày/lớp/lĩnh vực.
Căn cứ nhu cầu đào tạo của KTNN Việt Nam, ICAEW dự kiến sẽ dự thảo kế hoạch đào tạo Kiểm toán viên và gửi KTNN Việt Nam vào trung tuần tháng 5/2018./.
Hà Linh